Ứng dụng công nghệ và các giải pháp tiên tiến trong phòng chống thiên tai

GD&TĐ - Việc tìm giải pháp để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đang được xã hội đặc biệt quan tâm với những thách thức mới đặt ra nhiều nhiệm vụ lớn cho khoa học công nghệ...

Những năm qua, việc tìm giải pháp để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đang được xã hội đặc biệt quan tâm với những thách thức mới đặt ra nhiều nhiệm vụ lớn cho khoa học công nghệ thủy lợi, phòng chống thiên tai trong thời gian tới, mà các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành sẽ phải đi đầu nghiên cứu phát triển các công cụ tiên tiến.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai ngày càng cao.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai ngày càng cao. 

Nhiều giải pháp công nghệ được đưa vào sử dụng

Nhu cầu ứng dụng KHCN, nhất là trong lĩnh vực phòng chống thiên tai ngày càng cao. Nhiều nhóm nghiên cứu liên ngành, tập trung phân tích dữ liệu lớn (big data), chi tiết hóa thống kê, động lực các mô hình khí hậu toàn cầu AI; dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn trên các sông lớn; nghiên cứu diễn biến bồi tụ, xói lở bờ sông bờ biển và giải pháp công trình phòng chống; nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.

Tại Hội nghị đánh giá, tổng kết sau 5 năm thực hiện Chương trình “Nghiên cứu KH-CN phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai” (mã số KC.08/16-20), theo GS.TS Nguyễn Vũ Việt (Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20), Chương trình KC.08 là Chương trình KH-CN cấp quốc gia phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, có phạm vi triển khai nghiên cứu và ứng dụng trên khắp cả nước, với tính liên vùng rất cao.

Trong quá trình thực hiện, Chương trình đã tuyển chọn và triển khai thực hiện 36 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó, có 23 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực Phòng tránh thiên tai (chiếm 61%) và 15 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực môi trường (chiếm 39%).

Theo GS.TS Nguyễn Vũ Việt, các nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình đều được tiến hành trên cơ sở tài liệu, số liệu... do các cơ quan có tư cách pháp nhân cung cấp, được kiểm định, kiểm nghiệm ở các phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm định có uy tín. Trong trường hợp thiếu điều kiện, nhiều mẫu thử, mẫu vật đã được gửi đi nước ngoài để thực hiện. Điều này có thể khẳng số liệu đầu vào của nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy.

Sản phẩm các đề tài tạo ra đều được sự hỗ trợ của các phần mềm, chương trình tính toán hiện đại, tiên tiến, không ít đề tài được nghiên cứu trên mô hình vật lý, mô hình thực tế với tỷ lệ 1:1.

GS.TS Nguyễn Vũ Việt cho biết, sau 5 năm, Chương trình có 20 sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 45 giải pháp công nghệ, nhiều phần mềm, bản đồ được đưa vào ứng dụng. Có 8 sản phẩm có thể thương mại hóa và 18 chủng vi sinh vật đang trong quá trình chuyển giao ứng dụng.

Các đề tài, dự án của Chương trình đã đề xuất 38 nhóm giải pháp, quy trình, công nghệ mới. Trong đó, có nhiều nhóm giải pháp quy trình, công nghệ đã hoặc có triển vọng lớn ứng dụng trong thực tiễn.

Điển hình như Dự báo khí tượng thủy văn; Công nghệ, giải pháp dự báo, cảnh báo, giám sát nguồn nước, thiên tai lũ, hạn, mặn; Công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải môi trường nông thôn, làng nghề, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước rỉ rác...

Ngoài ra, còn có Công nghệ xử lý hiệu quả chất thải sản xuất công nghiệp; tai biến môi trường công nghiệp khai khoáng; Môi trường nước trong hệ thống sông, kênh thủy lợi; Mô hình kinh tế xanh…

Tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ứng dụng khoa học - công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Giải pháp công nghệ cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai, cơ sở dữ liệu về đê điều, sạt lở, bản đồ ngập lụt, ảnh vệ tinh, công cụ quản lý và vận hành hồ chứa thời gian thực...

Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng chống thiên tai. Ứng phó, thích ứng với thiên tai đã trở thành nội dung thường xuyên trong quá trình tồn tại và phát triển. Để thích ứng phải có các nhóm giải pháp, nhóm giải pháp phải gắn với ứng dụng với khoa học - công nghệ và phải tận dụng thành tựu của loài người về khoa học - công nghệ.

Ông Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho biết, các giải pháp khoa học áp dụng cho các khu vực miền núi không thể đủ kinh phí nên điều quan trọng vẫn là ý thức của người dân cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để chủ động phòng tránh. Liên quan đến khoa học - công nghệ cũng phải tìm những giải pháp phòng tránh sạt lở hữu hiệu nhất. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn khó khăn thì việc áp dụng giải pháp khoa học - công nghệ phải phù hợp với kinh phí và điều kiện của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, những năm qua, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến của nhiều nước trên thế giới vào Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai đã cho những kết quả tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lựa chọn công nghệ sao cho phù hợp với địa hình của Việt Nam để có thể dự báo, phòng ngừa đạt độ chính xác cao cũng như giá thành không quá đắt. Vì vậy, rất cần đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư trình độ cao có khả năng thẩm định được các loại công nghệ trên thế giới.

Các chuyên gia đề xuất tiếp tục đồng bộ hóa việc thu nhận, xử lý, lưu trữ và truyền tin các loại số liệu đo đạc tự động với số liệu vệ tinh, ra-đa thời tiết; tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số; ứng dụng, tiếp cận các công nghệ dự báo khí tượng thủy văn hiện đại thông qua hợp tác với các quốc gia có nền khoa học công nghệ về khí tượng thủy văn phát triển.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống thiên tai đã giúp giảm được thiệt hại rõ rệt, phù hợp chủ trương chuyển từ khắc phục hậu quả sang đẩy mạnh phòng, chống. Ðiểm rõ nét nhất là công tác dự báo. Dự báo có tốt, chính xác thì chỉ đạo điều hành mới chuẩn, mới hạn chế được thiệt hại.

---- 

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ