Sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng chống thiên tai: Giải bài toán khó

GD&TĐ - Phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn là phải chủ động hơn nữa, quyết tâm cao nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra...

Sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng chống thiên tai: Giải bài toán khó

Trong thông báo Kết luận tại Hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ quan điểm chỉ đạo chung đối với công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn là phải chủ động hơn nữa, quyết tâm cao nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả các hoạt động của phòng, chống thiên tai; phòng chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, từ cơ sở là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ động từ cơ sở

Tại Hòa Bình, đợt mưa kéo dài từ ngày 23 - 26/9 gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, nhà cửa của nhiều hộ dân. Trong đó, trên địa bàn xóm Tân Thành, xã Hợp Thành (TP Hòa Bình) xảy ra sạt lở đất khiến 1 hộ bị thiệt hại khá nặng do đất đồi tràn vào nhà bếp, công trình phụ gây hư hỏng một số vật dụng, phần mái bếp. Ngoài ra, có 3 hộ nguy cơ sạt lở đất cao...

Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, ngay sau khi nhận được thông tin thiên tai, UBND xã kịp thời kiểm tra, chỉ đạo chính quyền xóm di dời các hộ dân và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đất nguy hiểm, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại tại thực địa. Xã chỉ đạo lực lượng công an, trưởng xóm, hộ gia đình, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã trực, theo dõi diễn biến sạt lở đất, bảo vệ tài sản của Nhân dân và thông báo cho các hộ không được cư trú trong nhà, nơi đang có nguy cơ sạt lở, do vậy không gây thiệt hại về người.

Huy động lực lượng 4 tai chỗ để khắc phục sạt lở đất do mưa lớn kéo dài ở tỉnh Hoà Bình
Huy động lực lượng 4 tai chỗ để khắc phục sạt lở đất do mưa lớn kéo dài ở tỉnh Hoà Bình

Cũng trên địa bàn TP Hòa Bình, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7, số 8 đã có mưa to đến rất to, gây sạt lở nhiều nơi, trong đó có sạt lở lớn trên đường tỉnh 435 thuộc địa bàn tổ 8, phường Thái Bình. Hàng chục nghìn m3 đất đồi tràn xuống, vùi lấp mặt đường, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 2 hộ dân. Chủ tịch UBND phường Thái Bình Bùi Thế Dương cho biết: “Khi xảy ra sạt lở, UBND phường đã chỉ đạo thực hiện ngay "4 tại chỗ", huy động nhân lực hỗ trợ hộ dân di chuyển đến nơi an toàn; cắt cử lực lượng trực, bám sát địa bàn và phối hợp cùng đơn vị chức năng hướng dẫn, tuyên truyền người dân đi qua khu vực sạt lở đảm bảo an toàn”.

Thực tế cho thấy, vai trò của cấp xã trong PCTT là hết sức quan trọng. Thời gian qua, thực hiện đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, một số xã đã thành lập được nhóm hỗ trợ kỹ thuật và nhóm cộng đồng thực hiện công tác đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh đã giao Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập phương án ứng phó thiên tai các cấp và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức diễn tập phương án PCTT cấp huyện hàng năm. Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn tuyên truyền "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” cho cán bộ cấp xã.

 Huy động, điều tiết hợp lý mọi nguồn lực

Mặc dù thiên tai năm qua diễn ra hết sức nghiêm trọng cùng với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả,​ giúp nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là ở cơ sở, phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai, sự cố; đặc biệt cần chủ động xây dựng kịch bản sơ tán dân cư để ứng phó với thiên tai trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Để khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước thì sự hỗ trợ từ Quỹ Phòng chống thiên tai (PCTT) là rất quan trọng. Đây là nguồn lực tài chính quan trọng để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý các sự cố đê điều, thủy lợi do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên trước thời điểm Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 được ban hành, còn tồn tại tình trạng nơi thừa nơi thiếu tại Quỹ PCTT của các địa phương. Tình trạng tồn dư của Quỹ ở các địa phương đã không bảo đảm được nguyên tắc hoạt động cơ bản của Quỹ là kịp thời, hiệu quả; trong khi nhiều địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai lại rất cần nguồn lực để phòng chống, hỗ trợ khắc phục, tái thiết sau thiên tai.

Để giải quyết bất cập trên, gày 1/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về việc thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) ở Trung ương. Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Quỹ trung ương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó bộ máy quản lý và điều hành Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và cơ quan quản lý Quỹ. Quỹ trung ương được thành lập để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đóng góp tự nguyện, hỗ trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết nguồn lực hỗ trợ từ những tỉnh có tồn dư Quỹ cấp tỉnh lớn cho các tỉnh khó khăn về ngân sách, khu vực miền núi, ven biển. Ngoài ra, nội dung chi của Quỹ trung ương tập trung cho các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai và không trùng lặp với các nội dung chi của Quỹ cấp tỉnh.

Với Quỹ PCTT cấp tỉnh, Nghị định cũng tập trung sửa đổi những vướng mắc cơ cấu tổ chức; bổ sung đối tượng miễn, giảm, tạm hoãn; giảm 50% mức đóng góp bắt buộc của công dân trong độ tuổi quy định; quy định mức giảm đóng góp của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài. Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung thêm một số nội dung chi như: hỗ trợ thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai; phổ biến tuyên truyền giáo dục, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương và cộng đồng; tập huấn và duy trì hoạt động cho lực lượng tình nguyện viên phòng, chống thiên tai; mua bảo hiểm rủi ro thiên tai cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và một số nội dung phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai; hỗ trợ cho lực lượng thường trực trực ban, chỉ huy, chỉ đạo ứng phó thiên tai.

Điều quan trọng nữa tại Nghị định 78 là việc bổ sung Quy trình điều tiết từ Quỹ cấp tỉnh về Quỹ trung ương, từ Quỹ trung ương về Quỹ cấp tỉnh và giữa các Quỹ cấp tỉnh. Quỹ PCTT cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển kinh phí cho Quỹ trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ Trung ương có trách nhiệm điều tiết nguồn kinh phí cho Quỹ cấp tỉnh để đảm bảo hỗ trợ các địa phương một cách công bằng, từ đó mang lại hiệu quả cao nhất trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Đặc biệt, hàng tháng Quỹ sẽ được công khai, minh bạch và đây là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, khi tham gia vào công cuộc hỗ trợ phòng chống thiên tai.

 ----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ