Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học

GD&TĐ - Công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đối với giáo dục đại học tiếp tục được chú trọng với sự nỗ lực và hoạt động tích cực của 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và một số cơ sở giáo dục đại học.

Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Gần 250 trường ĐH, trường CĐSP hoàn thành tự đánh giá

Năm học 2016 – 2017, đối với kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, có thêm 4 trường đại học hoàn thành tự đánh giá, 22 trường đại học và 2 trường cao đẳng sư phạm cập nhật báo cáo tự đánh giá, 40 trường đại học và 1 trường cao đẳng sư phạm được đánh giá ngoài, 28 trường đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Như vậy, đến thời điểm này, cả nước có 213 trường đại học, 33 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm hoàn thành tự đánh giá và nộp báo cáo về Bộ GD&ĐT theo quy định; có 53 trường đã được đánh giá ngoài (chiếm 22,6% trong tổng số các trường đại học).

Trong đó có 30 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng và 2 trường đại học chưa đủ điều kiện để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, có trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận kết quả kiểm định theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và 1 trường được đánh giá ngoài bởi AUN-QA.

93 chương trình đào tạo ĐH được đánh giá, công nhận bởi tổ chức kiểm định

Đối với kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2016-2017, có 7 chương trình đạo tạo được đánh giá ngoài; trong đó có 5 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, một số chương trình đào tạo đã đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới như ABET, AUN, CTI, ACBSP và FIBAA,…

Đến nay, cả nước có 93 chương trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước và nước ngoài.

Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tiếp cận xu hướng mới của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA), trong đó quy định rõ về việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Đồng thời, chỉ đạo các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục triển khai việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng GDĐH một cách độc lập và công bố thông tin cho toàn xã hội được biết.

Một số trường ĐH đã tham gia xếp hạng bởi tổ chức quốc tế

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm định và đảm bảo chất lượng tiếp tục được đẩy mạnh, ngoài việc tham gia các hội nghị hội thảo của Mạng lưới chất lượng châu Á – Thái Bình Dương (APQN) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAN), Bộ GD&ĐT đã cùng với Cơ quan tiêu chuẩn chất lượng giáo dục Đại học Úc (TEQSA) ký kết bản ghi nhớ để mở rộng hợp tác phát triển trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Đại sứ quán Úc tổ chức Hội thảo về bộ công cụ đánh giá chương trình đào tạo trực tuyến; phối hợp với Dự án SHARE tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ 5 về tác động của Khung trình độ quốc gia và Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực đối với GDĐH Việt Nam.

Một số trường đại học đã tham gia xếp hạng bởi tổ chức quốc tế, không những khẳng định được thương hiệu mà còn làm cơ sở phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Trong năm học 2016-2017, có thêm 1 trường đại học được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars, nâng tổng số cả nước đã có 3 trường được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT, hiện nay một số trường vẫn chưa thực sự chú trọng công tác KĐCLGD, việc chỉ đạo chưa tập trung, chưa có giải pháp đột phá trong việc nâng cao chất lượng tự đánh giá và đánh giá ngoài. Chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ công tác khảo thí, KĐCLGD.

Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Chưa xây dựng được mô hình điển hình về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.

Sách giáo khoa Ngữ văn từ năm 1995 - 2024. Ảnh: Văn Lự

Lại bàn thêm về môn Ngữ văn

GD&TĐ - Đề kiểm tra Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa báo hiệu quan niệm học để thi, học thuộc nhớ nhiều đã kết thúc.