Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Cần công khai, minh bạch

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều trường đại học chủ động tham gia thực hiện đăng ký đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục. Các hoạt động này được xã hội và nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao khi cho rằng việc kiểm định sẽ góp phần xếp hạng đại học tại Việt Nam; từ đó giúp người học tìm kiếm, lựa chọn những cơ sở đào tạo uy tín, phù hợp với mình. 

Kiểm định cần phải được coi là văn hoá chất lượng. Ảnh: T.G
Kiểm định cần phải được coi là văn hoá chất lượng. Ảnh: T.G

Lan tỏa tinh thần kiểm định

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 50% số trường đại học, cao đẳng đã được kiểm định. Trong số những trường tham gia kiểm định, hiếm có trường nào không đạt chuẩn. Hiện cũng có khá nhiều tổ chức kiểm định trong nước lẫn quốc tế được các trường lựa chọn. Việc lựa chọn các tổ chức kiểm định được các trường thực hiện tuỳ theo năng lực của mình. Những trường đại học lớn thực hiện theo chuẩn AUN (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á).

Hiện nay trên cả nước, nhiều trường đại học đã đạt chuẩn kiểm định và được xã hội đánh giá những kết quả này là chính xác và thuyết phục (như các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh cùng một số trường đại học khối khoa học kỹ thuật khác như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Giao thông Vận tải, Thủy lợi…).

Những trường này đều có bề dày truyền thống về đào tạo và nghiên cứu khoa học; việc đối chiếu mục tiêu đặt ra về công tác kiểm định trong các giai đoạn đều phù hợp với chỉ tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, cũng có những trường mặc dù được công nhận đạt chuẩn kiểm định nhưng xã hội và người học vẫn muốn đánh giá lại bằng cảm quan trực tiếp của mình xem việc đảm bảo chất lượng đáp ứng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn thế nào.

Cả nước có 112 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, đã có 2 trường đạt. Ngoài ra, có 5 trường đạt chuẩn HCERES (Pháp) và 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định của ABET (Hiệp hội Kỹ thuật và Công nghệ Hoa Kỳ)… Nhưng nhiều trường đại học tầm tầm và các trường ngoài công lập lại lựa chọn các trung tâm kiểm định trong nước.

Không thể phủ nhận hệ thống giáo dục đại học đang lan tỏa mạnh mẽ tinh thần kiểm định chất lượng. Các trường tham gia kiểm định như một chứng nhận về uy tín. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, kiểm định là cần thiết và là việc bắt buộc phải làm. Mục đích của kiểm định để đánh giá, bảo đảm chất lượng GD đến đâu.

Mỗi trường có quy mô đào tạo, đặc thù ngành học và các nguồn lực khác nhau… Không thể có một công thức chung kiểm định cho tất cả các trường. Thế nên kiểm định cần phải đánh giá mức độ đạt của từng trường với những tiêu chí hết sức linh hoạt. Nói cách khác, kiểm định phải được xác định là hoạt động đánh giá công tác đảm bảo chất lượng được thực hiện thế nào trong mỗi cơ sở đào tạo.

Sinh viên chuyên ngành Mỹ thuật. Ảnh minh họa/ INT
 Sinh viên chuyên ngành Mỹ thuật.          Ảnh minh họa/ INT

Phải có văn hoá chất lượng

PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cho rằng: Văn hóa chất lượng với các nhà trường phải được coi là tính tự thân bắt buộc vì kiểm định được hiểu là một trong các công cụ chính đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở đó. Chính vì vậy, việc đánh giá mức độ đạt được so với tiêu chuẩn kiểm định đáp ứng đến đâu chất lượng đào tạo không chỉ là điều cần thiết đối với các cơ sở đào tạo mà đây cần phải được coi như văn hoá chất lượng của các nhà trường.

Việc này nhằm khẳng định uy tín, là trách nhiệm giải trình của nhà trường trước xã hội. Cần phải nhận thức rằng kiểm định chất lượng giáo dục là chiếc gương phản chiếu hoạt động đảm bảo chất lượng. Các nhà trường nhìn vào đó để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người học và xã hội – PGS Nghị phân tích.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi các trường đại học cạnh tranh người học ngày càng quyết liệt, việc các cơ sở đào tạo hào hứng tham gia kiểm định cũng là điều dễ hiểu. Nói như PGS.TS Lê Văn Thanh (Trường Đại học Mở Hà Nội), kiểm định để xã hội hiểu mình đạt chuẩn chất lượng nhằm thuyết phục người học tìm đến. Tuy nhiên, kiểm định để đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước cũng không phải không có.

Chính vì thế, điều cần thiết ở các cơ sở đào tạo là phải có văn hoá chất lượng. Cụ thể ở đây là các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phải thực chất, có giá trị thực tiễn. Để làm được điều đó rất cần sự minh bạch và công khai thông tin ở các trường. Chỉ khi nào các thông tin được trường công khai với người học và xã hội để giám sát lúc đó kiểm định đã đạt đến chuẩn của văn hoá chất lượng.

Rõ ràng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu về chất lượng giáo dục cũng trở nên bức thiết. Đặc biệt là giáo dục đại học đang đối mặt với cạnh tranh ngày càng cao và đứng trước yêu cầu đổi mới, đáp ứng yêu cầu người học và xã hội. Chính vì vậy, công tác kiểm định chất lượng phải được đánh giá một cách khách quan, chính xác.

Kết quả kiểm định và những thông tin liên quan cần phải được công khai, minh bạch để giám sát. Những trường, ngành đạt chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế sẽ có những lợi thế nhờ nỗ lực đạt chuẩn của mình. Ngược lại, những trường chưa đạt chuẩn kiểm định, hoặc kết quả kiểm định lệch với thực tế cần để xã hội biết và đánh giá. Có như vậy mới hướng đến một văn hóa chất lượng cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ