Đa dạng hình thức phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong nhà trường

GD&TĐ - Thời gian qua, các phong trào và mô hình phòng, chống tội phạm trong trường học được triển khai với nhiều hoạt động và hình thức đa dạng.

Buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy của Trường THCS Hải Yên.
Buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy của Trường THCS Hải Yên.

Qua đó, học sinh có kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các loại tội phạm, đồng thời nâng cao tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm.

Tuyên truyền về tác hại của ma túy và trách nhiệm của học sinh trong việc phòng, chống ma túy là buổi sinh hoạt ngoại khóa được Trường THCS Hải Yên (Móng Cái, Quảng Ninh) kết hợp với Công an thành phố Móng Cái thực hiện từ nhiều năm qua và đã mang lại nhiều thành công, được các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng.

Với cách truyền tải hấp dẫn, lồng ghép với việc minh họa bằng pano, tranh ảnh, đại diện Công an thành phố Móng Cái đã tạo nên không khí sôi nổi thu hút sự chú ý của các em. Đây là những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết giúp học sinh nâng cao hiểu biết, tránh xa với tệ nạn ma túy nguy hiểm.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường đầu tư, trang bị tài liệu giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục giới tính, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại và bạo lực học đường, phòng chống ma túy, buôn bán người.

Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã thực hiện các biện pháp giảm sĩ số các lớp học để giáo viên có thể gần gũi, sâu sát và uốn nắn đạo đức cho học sinh. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho HSSV.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện nội dung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; đảm bảo an ninh trật tự... tại các cơ sở giáo dục. Quan tâm thực hiện tốt việc hậu kiểm sau thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi các vi phạm pháp luật.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn trường học, do đó, công tác phòng chống tội phạm nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng được ngành GD-ĐT Hà Nội coi là nội dung giáo dục quan trọng đối với tất cả cấp học phổ thông trong toàn ngành.

Ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) Hà Nội - cho biết: Xác định tầm quan trọng của nhiệm vụ này, sở đã chủ động phối hợp cùng Công an thành phố xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học (Quy chế 505); tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn bộ cán bộ, giáo viên, học viên các cơ sở giáo dục.

Trên cơ sở Quy chế 505, Công an các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã ký kết và triển khai thực hiện. Hàng tuần nhà trường và công an khu vực tổ chức giao ban và tập trung đánh giá tình hình công tác an ninh trật tự, an toàn trường học và việc chấp hành luật trong tham gia giao thông của các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục; bàn biện pháp chỉ đạo, khắc phục dứt điểm những tồn tại ở địa bàn phức tạp, đồng thời nắm bắt tư tưởng chính trị của cán bộ, giáo viên, học sinh.

Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, các nhà trường cập nhật, phổ biến đến học sinh, phụ huynh học sinh, gia đình các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội; phòng ngừa, xử trí các trường hợp bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, tai nạn, thương tích trẻ em…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ