Những lớp học sáng tạo phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Học sinh yêu thích hơn khi học môn Lịch sử hay nói không với bạo lực học đường là thành quả của những nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giáo dục.

Học sinh Trường THPT Ngô Quyền
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền

Lớp học danh nhân giúp Lịch sử gần gũi

Tại Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), những lớp học danh nhân đã được các em học sinh tự tìm hiểu, thiết kế. Với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo học sinh đã đặt tên những danh nhân Nguyễn Văn Linh, Văn Cao, Hoàng Ngọc Phách... cho lớp học của mình. Đây đều là những danh nhân nổi tiếng đã từng học tập, công tác tại Trường THPT Ngô Quyền.

Với tên của mỗi danh nhân đặt cho từng lớp học, các em học sinh trong lớp học đó đã có một góc cùng nhau học và tìm hiểu về Lịch sử, gắn liền với tên tuổi của danh nhân đó.

Em Bùi Hải Anh- học sinh lớp 12A12 cho biết: Chúng em cùng nhau tìm hiểu tư liệu và phục chế ảnh để có thể tìm ra những tư liệu sắc sảo nhất, chân thật nhất về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của danh nhân. Từ đấy, chúng em rèn luyện được tinh thần đồng đội, giúp đỡ nhau trong việc học, đồng thời, tìm hiểu rộng hơn về Lịch sử.

Giai điệu của bài hát “Làng tôi” của cố nhạc sĩ Văn Cao được ngân lên trong lớp học, khi các em học sinh cùng tìm hiểu về người nhạc sĩ nổi tiếng này. Thay vì những tiết học khô cứng, với nhiều dấu mốc lịch sử trước đây, cách học lịch sử mới qua việc tìm hiểu danh nhân đã học tập tại ngôi trường của mình thực sự giúp các em học sinh thấy thích thú.

“Em có thể biết thêm nhiều thông tin và hiểu hơn về các danh nhân, những người có đóng góp to lớn, không chỉ cho trường, cho sự nghiệp của chính họ mà còn cho đất nước nữa”, Đào Long Khánh, học sinh lớp 12A10 chia sẻ.

Lớp học danh nhân mang tên nhạc sĩ Văn Cao
Lớp học danh nhân mang tên nhạc sĩ Văn Cao

Theo cô Cao Tố Nga- Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, lịch sử của nhà trường có nhiều nét song hành với lịch sử của thành phố và đất nước. “Chúng tôi cũng muốn lịch sử cho học sinh niềm tự hào, nhiều động lực, nên muốn xây dựng cho các em tự tay xây dựng nên không gian lớp học của mình tấm gương của các bậc tiền bối, các thầy giáo, cô giáo, và học sinh đã từng gắn bó với mảnh đất này” - cô Nga cho biết.

Nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường là quyết tâm của ngành Giáo dục. Yêu cầu đặt ra là đổi mới nội dung, phương thức giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp, và hiệu quả và cách làm của THPT Ngô Quyền là một cách làm sáng tạo.

Nỗ lực giáo dục phòng, chống bạo lực học đường

Cũng tại Hải Phòng, ở cấp THCS, Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) đã hoàn thành tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nhà trường không có giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội và bạo lực học đường, không để xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động trong trường.

Cô Nguyễn Thị Thu Hương- Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho biết: Trong năm học này, nhà trường tiếp tục triển khai sâu rộng các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.

Đồng thời  tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên thông qua tổ chức chuyên đề chuyên môn và đoàn đội cấp thành phố như “Xây dựng tình bạn đẹp, phòng chống bạo lực học đường”; triển khai nghiêm túc Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”, đổi mới và lồng ghép nhiều phương thức.

Ngay từ đầu năm học, kế hoạch về các giải pháp giáo dục học sinh phòng, chống bạo lực học đường trong trường học gắn với các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được đề ra.

100% phụ huynh và học sinh ký cam kết với nhà trường trong các đợt như: Cam kết an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường vào đầu năm; cam kết nghỉ Tết an toàn, cam kết thực hiện ATGT...

Chuyên đề sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường THCS Ngô Quyền
Chuyên đề sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường THCS Ngô Quyền

Nhà trường đẩy mạnh sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”, “Phòng chống xâm hại trẻ em” dưới nhiều hình thức như nói chuyện, tọa đàm; tổ chức tuyên truyền dưới cờ lồng ghép chương trình chào cờ về “Phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em”.

Bên cạnh những giờ học chính khóa, nhà trường đẩy mạnh tổ chức hoạt động giáo dục ngoại khóa và truyền thông về giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên; gắn công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội với công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thông qua giảng dạy ở các môn học; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Nhà trường đã chủ động phối hợp với công an địa phương xây dựng kế hoạch, nắm bắt thông tin, cung cấp nhiều nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự nhằm ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn trong học sinh; kiến nghị với chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự khu vực xung quanh trường học (chơi game và các trò chơi khác) để tránh tối đa việc bạo lực học đường xảy ra...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ