Đa dạng hình thức giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh

GD&TĐ - Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, cần bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức và chuyển hóa thành thái độ ứng xử, hành vi cho mỗi người dân, ngay từ lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất.

Học sinh Trường Tiểu học Tràng An được giáo dục nâng cao
ý thức bảo vệ môi trường qua phân loại rác.
Học sinh Trường Tiểu học Tràng An được giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường qua phân loại rác.

Gom rác tái chế đổi quà tặng là hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Thực nghiệm (quận Ba Đình, Hà Nội) nhằm giúp giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho học sinh. 

Cô Lê Thị Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Thực nghiệm cho biết: Khi tham gia phân loại rác thải, học sinh có thêm hiểu biết về vấn đề bảo vệ môi trường; có ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng một môi trường sống trong lành, có lợi cho sức khỏe. 

Ngoài ra, nhà trường đã thực hiện thành công chiến dịch “21 ngày sống xanh”, hướng đến việc nâng cao ý thức của học sinh về tầm quan trọng cũng như nhiệm vụ mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Hoạt động này cũng giảm thiểu phần nào rác thải nhựa thay vì xả thẳng ra môi trường.

Thông qua chiến dịch, nếp sống thường ngày của các em đã thay đổi, cùng hướng đến môi trường xanh - sạch - đẹp. Không chỉ trong phạm vi trường học, “21 ngày sống xanh” được mong đợi lan tỏa ra toàn xã hội, góp phần xây dựng một môi trường xanh.

Để giúp học sinh nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải, bảo vệ môi trường, Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) triển khai nhiều hoạt động trong chương trình “Trường học tiên phong giảm thiểu và phân loại rác thải năm 2020”.

Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường là giải pháp bảo vệ môi trường bền vững. Đặc biệt với rác thải nhựa cùng với chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới.

Hiểu được điều đó, Trường Tiểu học Tràng An tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn giúp các em biết được đâu là rác tái chế, rác sinh hoạt. Bên cạnh đó, những bài giảng về môi trường của các cô giáo chủ nhiệm cùng phần hỏi đáp có liên quan càng giúp học sinh mở mang thêm kiến thức. Các em được xem video về ý nghĩa của việc giảm thiểu rác thải và quy trình phân loại rác thải và cùng nhau trao đổi rất sôi nổi.  

Cũng theo cô Liên, thầy cô và các bạn còn cùng nhau chuẩn bị những thùng rác để tiến hành phân loại rác tại nguồn. Mỗi lớp học đặt 2 thùng rác: 1 thùng là rác tái chế, 1 thùng là rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, các em còn tự tay chuẩn bị 2 thùng rác từ chính các vật dụng tái chế vừa tiết kiệm lại vừa bảo vệ môi trường nhưng vô cùng đẹp, độc đáo, lạ mắt và hữu dụng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ