Đa dạng hình thức bồi dưỡng giáo viên Mầm non đáp ứng yêu cầu mới

GD&TĐ - Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non là bước chuẩn bị về đội ngũ cho chương trình giáo dục mầm non mới.

Giáo viên Trường mầm non Thanh Trì tham gia lớp tập huấn đầu năm học.
Giáo viên Trường mầm non Thanh Trì tham gia lớp tập huấn đầu năm học.

Tích cực tham gia các khóa học

Trong những năm qua, Trường mầm non Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng chuẩn cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Giáo viên nhà trường luôn tham gia đầy đủ các khóa học nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn, tiếp cận các phương pháp dạy học tiên tiến.

Cô Nguyễn Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Trì chia sẻ: Từ đầu năm học, nhà trường đã cử cán bộ giáo viên dự lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ do Phòng GD&ĐT quận tổ chức. Lớp bồi dưỡng đã giúp giáo viên trong trường tiếp cận các phương pháp dạy học tiên tiến để chuẩn bị cho năm học mới.

Cụ thể, 3 chuyên đề được cho là cần thiết để giáo viên có thể tiếp cận học hỏi và áp dụng vào thực tế trong công việc giảng dạy như: Tổ chức dạy học theo dự án tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến, Xây dựng môi trường giáo dục tiếp cận phương pháp giáo dục Reggio Emilia, Quản lý hành vi tích cực cho trẻ trong trường mầm non.

Mỗi chuyên đề đều mang đến cho các học viên những trải nghiệm mới mẻ, bổ ích. Các giáo viên học tập rất nghiêm túc, mong muốn lĩnh hội được nhiều kiến thức để có thể truyền đạt lại cho đồng nghiệp của mình. Các buổi bồi dưỡng chuyên môn đã tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên tiếp thu được các phương pháp giáo dục tiên tiến.

Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên Trường mầm non Thanh Trì chia sẻ: những kiến thức đã lĩnh hội được giáo viên trường mầm non Thanh Trì sẽ áp dụng tốt vào chuyên môn giảng dạy của cá nhân cũng như của trường trong năm học này và các năm học tiếp theo.

Để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề Giáo dục thể chất cho hơn 100 giáo viên mầm non trên địa bàn quận. Trong suốt khóa học, các học viên được tham gia học lý thuyết kết hợp các bài tập thực hành với hệ thống đồ dùng hiện đại, phong phú.

Cô Chu Thúy Hường - giáo viên trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Cầu Giấy) cho biết, thời gian vừa qua, cô và các đồng nghiệp đã tích cực tham gia lớp tập huấn với tinh thần học hỏi. Đây thực sự là khóa học bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho trẻ nói riêng và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nói chung.

Giáo viên mầm non quận Cầu GIấy (Hà Nội) tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn.

Giáo viên mầm non quận Cầu GIấy (Hà Nội) tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn.

Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn

Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 hay còn gọi là đề án 33 đã đi được nửa chặng đường. Vượt qua nhiều khó khăn, ngành giáo dục đã từng bước hoàn thành những mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu chuẩn bị đội ngũ cho chương trình giáo dục mầm non mới đang trong giai đoạn thí điểm trước khi ban hành.

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành "Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non" và "Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non" nhằm đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí để mỗi người giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non tự đánh giá, xác định bản thân ở đâu trong thang của chuẩn để từ đó xây dựng kế hoạch phấn đấu.

Sau khi Chuẩn được ban hành, Bộ GD&ĐT ban hành các Chương trình bồi dưỡng thường xuyên hằng năm dành cho cán bộ quản lý và giáo viên (còn gọi là chương trình bồi dưỡng theo chuẩn).

Bộ GD&ĐT cũng ban hành Quy chế bồi dưỡng từ xa với yêu cầu bắt buộc mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng là 120 tiết/năm với 3 nội dung gồm do Bộ GD&ĐT quy định; do địa phương quy định phù hợp với đặc điểm vùng miền và do cán bộ quản lý, giáo viên tự chọn theo các mô đun tại chương trình bồi dưỡng từ xa. Đây thuộc chương trình bắt buộc hằng năm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo nhu cầu của người học.

Đồng thời hằng năm, Bộ GD&ĐT lựa chọn các mô đun mang tính thời sự, thiết thực để tổ chức biên soạn tài liệu và bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các địa phương. Bình quân mỗi năm có hàng ngàn lượt cán bộ quản lý giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng. Lực lượng cốt cán này sẽ bồi dưỡng, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình triển khai bồi dưỡng đại trà tại địa phương.

Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng đã nhanh chóng đổi mới về phương thức bồi dưỡng. Những năm trước đây, công tác bồi dưỡng giáo viên tổ chức trực tiếp cho đại diện cán bộ quản lý, giáo viên do địa phương cử, sau đó tiếp tục bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên.

Nội dung bồi dưỡng cũng thay đổi theo hướng đáp ứng theo nhu cầu của người học. Trên cơ sở các mô-đun bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT ban hành, người học tự xác định, chọn lựa các nội dung mà mình còn thiếu, còn yếu để đăng ký bồi dưỡng.

Theo Luật Giáo dục 2019, cao đẳng sư phạm được xem như trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 4/2022, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đạt 86,1%. Bộ đang triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non từ nay đến năm 2025 để tăng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.