Buổi giao lưu nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, đồng thời kỷ niệm 25 năm học bổng Chevening triển khai ở Việt Nam.
Mở đầu buổi gặp gỡ, ông Gareth Ward (Đại sứ Anh tại Việt Nam) khẳng định: “Nếu bạn giành được học bổng Chevening, bạn chắc chắn sẽ được tận hưởng nền giáo dục hàng đầu của Vương Quốc Anh và sẽ mở ra những cánh cửa mới cho sự nghiệp của bạn.
Tuyệt vời hơn bạn sẽ được gia nhập mạng lưới 50.000 cựu du học sinh Chevening toàn cầu là những nhà lãnh đạo tài ba và những người có tầm ảnh hưởng.
Tôi hy vọng sau khi trở về, các cựu du học sinh Chevening sẽ áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được từ Vương quốc Anh để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng như gắn kết thêm mối quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh”.
Chevening – Học bổng toàn phần du học Thạc sĩ tại Anh
Bà Anna Pearson (Bí thư thứ nhất của ĐSQ Anh tại Việt Nam) cho biết, trong khóa học 2018-2019, Chevening đã trao hơn 1.600 suất học bổng trên toàn cầu. Hơn 50.000 học giả đã được học tập và phát triển tại Vương quốc Anh nhờ học bổng Chevening, tạo nên một mạng lưới gồm nhiều cá nhân xuất sắc và có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới.
Việt Nam gần đây là 1 trong 10 quốc gia nhận được nhiều học bổng Chevening nhất trên toàn cầu. Được giới thiệu tại Việt Nam từ năm 1993, hiện đã có khoảng 400 cá nhân xuất sắc từ Việt Nam được sang Vương quốc Anh học tập theo chương trình học bổng Chevening.
“Chevening là chương trình học bổng toàn cầu của chính phủ Anh, được tài trợ bởi Bộ Ngoại Giao Anh (FCO) cùng nhiều tổ chức đối tác. Đó là học bổng toàn phần, đài thọ toàn bộ chi phí cho một năm học Thạc sĩ tại bất kì trường đại học nào của Anh, bao gồm học phí, phí visa, vé máy bay khứ hồi đến Anh, sinh hoạt phí cùng một số phụ cấp khác.
Học bổng Chevening dành cho ứng viên ở tất cả ngành nghề và đến từ tất cả các khối, bao gồm tổ chức chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tư nhân.
Để ứng tuyển học bổng Chevening, các ứng viên phải đáp ứng yêu cầu: là công dân Việt Nam, chưa từng nhận học bổng của chính phủ Anh, tốt nghiệp đại học với thành tích học tập tốt, có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm việc. Bạn cũng cần đáp ứng được yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh của Chevening và nhận được ít nhất một thư chấp nhận học Thạc sĩ tại trường đại học ở Anh, tuy nhiên hai điều kiện này chưa cần ngay tại thời điểm nộp hồ sơ.
Quan trọng hơn, ứng viên cần có tiềm năng lãnh đạo, thành tích học tập xuất sắc, kỹ năng xây dựng mối quan hệ và cam kết trở về Việt Nam để làm việc ít nhất 2 năm sau khi hoàn thành khóa học”, chị Mai Thu Hà (Phụ trách chương trình học bổng Chevening của ĐSQ Anh tại Việt Nam) nói.
Với kinh nghiệm của cựu sinh viên chương trình học bổng Chevening khóa 2016/2017 tại Đại học Glasgow, anh Lê Tuấn Bình nhấn mạnh để ứng tuyển học bổng Chevening, ngoài những chứng nhận bản thân như CV, chứng chỉ tiếng Anh,…. bạn cần phải có 4 bài tiểu luận tập trung vào những vấn đề như thể hiện tiềm năng lãnh đạo và kĩ năng tạo dựng mối quan hệ tốt.
Học bậc Thạc sĩ ở Anh rất…nhàn?
Cựu sinh viên chương trình học bổng Chevening khóa 2016/2017 ngành Quản lý sức khỏe và An toàn lao động của Đại học South Wales, chị Nguyễn Mai Hương chia sẻ: “Điều đầu tiên khi đến Anh học chính là thời gian lên lớp của các bạn rất nhàn, rất ít.
Chúng tôi lúc đầu rất ngạc nhiên vì chỉ có một năm du học, lượng kiến thức khá nặng thế nhưng buổi lên lớp vô cùng hạn chế, khoảng từ 2 – 3 ngày một tuần. Các bạn sẽ có rất nhiều thời gian đi du lịch, làm thêm, trải nghiệm thực tế.
Tuy nhiên, thời gian lên lớp ít không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều thời gian chơi hơn. Lên lớp nhiều nhất là 3 ngày nhưng bạn có thể phải dành cả tuần ở thư viện để hoàn thành bài tập. Vì giáo dục ở Anh tập trung vào việc người học tự nghiên cứu, tự tìm hiểu và tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập phù hợp. Giảng viên khi lên lớp thường chỉ chia sẻ cho các bạn kỹ năng, kinh nghiệm thực tế của họ ở môi trường làm việc”.
Đến với sự kiện, khán giả đặt câu hỏi cho các cựu sinh viên Anh rằng tốt nghiệp Đại học một chuyên ngành nhưng lại muốn học bậc Thạc sĩ chuyên ngành khác thì liệu như vậy có được ứng tuyển cho học bổng Chevening.
Chị Mai Thu Hà trả lời: “Trường hợp các bạn chuyển chuyên ngành không hiếm. Học Đại học một chuyên ngành khác nhưng lại muốn chuyển sang chuyên ngành khác ở bậc Thạc sĩ thì hoàn toàn có thể. Quan trọng là bạn thể hiện được khả năng lãnh đạo và sự đóng góp của mình cho xã hội dù ở bất kỳ ngành nghề nào không chỉ ở hiện tại mà ở cả tương lai”.
Theo các cựu du học sinh chương trình học bổng Chevening, Anh quốc là một lựa chọn rất tuyệt vời và chắc chắn sẽ không khiến bạn hối hận khi quyết định theo học.
Ở Anh, du học sinh sẽ gặp khó khăn, vất vả thế nhưng lại được nhiều hơn mất và đó là cơ hội quý giá mà mình nên nắm giữ nếu nó đến.