(GD&TĐ)- Sáng nay (18/7), Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức buổi giao lưu đoàn 50 cựu lưu học sinh (LHS) đại diện cho hơn 30.000 cựu LHS Lào về thăm trường và các thầy cô giáo cũ tại Phú Thọ.
Buổi lễ là một trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm “năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”, chào mừng kỉ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày kí hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam- Lào.
Cựu LHS Lào chụp ảnh lưu niệm với tập thể cựu giáo viên trường T1. Ảnh, gdtd.vn |
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đình Cúc đã nhiệt liệt chào mừng Đoàn cựu LHS Lào về thăm trường cũ. Đây là tình cảm cao quý, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là biểu hiện sinh động, sâu sắc của tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào;
Đồng thời khẳng định, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã góp phần tích cực, ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào; luôn ra sức vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Hàng ngàn con em Phú Thọ đã chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Thượng Lào đến Nam Lào, nhiều người đã hi sinh trên đất Lào trong khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Đặc biệt, giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, tháng 5/1969, tỉnh Phú thọ đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam giao thành lập Trường Phổ thông miền núi số 1 (thường gọi là trường T1), nay đổi tên là trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ, để tiếp nhận, nuôi dưỡng, giáo dục con em các bộ tộc từ hầu khắp các tỉnh của Lào gửi sang.
Xuất phát từ những lớp học Tiếng Việt vỡ lòng đầu tiên, sau 15 năm (từ 1969-1984), trường T1 đã tiếp nhận, đào tạo cho Lào 3.784 học sinh (trong đó có 1.778 học sinh III) từ cấp I, đến hết cấp III. Trong số này đã có trên 300 học sinh ưu tú nhất các khóa đã được gửi sang các trường ĐH học tại Liên Xô cũ và các nước Đông Âu tiếp tục học tập, nghiên cứu. Đại đa số LHS của trường bây giờ đã trở thành cán bộ cốt cán trong bộ máy chính quyền các cấp từ Trung ương đến các địa phương của CHDCND Lào…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Chí Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã khẳng định: phát triển nguồn nhân lực là cơ sở vững chắc để củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai Nhà nước và hai Bộ giáo dục Việt Nam- Lào góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam- Lào.
Trong lĩnh vực giáo dục, sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam- Lào đã có bề dày lịch sử; cùng với việc xây dựng hệ thống giáo dục tại vùng giải phóng Lào, ngay từ năm 1958, Việt Nam đã đón nhận hàng ngàn con em của các bộ tộc Lào sang học tập tại Việt Nam.
Trong khói lửa ác liệt của chiến tranh, Việt Nam đã xây dựng nhiều trường học Phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo cán bộ cho Lào.
Chia sẻ niềm vui tại buổi gặp mặt, các cựu LHS Lào và các cựu giáo viên trường T1 đã bày tỏ niềm vui, niềm xúc động khôn xiết khi gặp lại. Trong những năm qua. Hơn 3.700 LHS Lào trong những năm học tập tại Việt Nam đã được các thầy cô giáo, nhân dân địa phương cưu mang, đùm bọc và dạy dỗ, vợt qua những khó khăn của chiến tranh để trưởng thành. Các cựu LHS Lào đã không thể nào quên những lần đội mũ rơm cùng các thầy, cô, trú bom dưới hầm tránh bom đào dưới rừng cọ, đồi chè…
Từ mái trường T1, đa số LHS Lào đã trưởng thành, trở thành cán bộ cốt cán trong các lĩnh vực: An ninh, quốc phòng, Chính trị, giáo dục, y tế, các doanh nhân thành đạt; trong quá trình công tác, các LHS không ngừng noi gương và giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện của hai nước Việt Nam- Lào.
Bá Hải