Ngày nay, quanh khu vực này đã có nhiều đoàn tuần tra chống hải tặc, nhưng thỉnh thoảng, vẫn có những con tàu trở thành nạn nhân của bọn cướp biển. Tàu và thủy thủ đoàn chỉ được trả tự do sau khi bọn cướp nhận được khoản tiền chuộc hàng triệu đô la. Tuy nhiên, chúng ta không thật sự hiểu biết nhiều về những tên cướp biển này, nhất là những sự thật gây sốc dưới đây.
Cướp biển Somali còn có hẳn một sàn giao dịch chứng khoán, nơi các nhà đầu tư mua cổ phiếu trong vụ cướp. Không phải lúc nào cướp biển cũng tìm được “mồi ngon”. Ngay cả khi tìm được, cũng không chắc vụ cướp sẽ thành công. Việc tài trợ cho hàng loạt cuộc săn lùng một cách tốn kém có thể mang lại kết cục thảm hại, vậy là cướp biển đã chuyển việc tài trợ sang... người dân Somalia. Ngày nay, cướp biển được các nhà đầu tư mua cổ phiếu tại một sàn giao dịch chứng khoán, chuyên tài trợ cho các “phi vụ cướp biển”.
Sàn giao dịch chứng khoán này được tổ chức khá chặt chẽ với hơn 72 nhóm cướp biển (“mệnh danh” là các công ty hàng hải) được liệt kê trên mạng. Các nhà đầu tư quan tâm mua cổ phiếu và hy vọng công ty của họ trúng “số độc đắc”. Cổ phiếu không nhất thiết phải được mua bằng tiền mặt. Các vũ khí cá nhân như AK-47, súng phóng lựu và tên lửa vác vai cũng có thể thay thế cho tiền tệ.
Ngoài khoản chia cho các ông trùm (ít khi được tiết lộ), những tên cướp biển phụ trách việc lái tàu hoặc xuồng cao tốc (mà phần lớn là ngư dân), sau khi thực hiện thành công một phi vụ thường nhận thưởng từ 30.000 - 75.000 USD trong khoản tiền chuộc. Những tên cướp biển sử dụng vũ khí nhận thêm 10.000 USD/phi vụ thành công.
Với một vụ bắt cóc tàu và đòi tiền chuộc thành công, kẻ chiến thắng là các “nhà đầu tư” đã mua cổ phiếu tài trợ cho vụ cướp. Khi nhận được khoản tiền chuộc, các nhà đầu tư và một số bên liên quan khác sẽ ngồi lại để chia phần. Một khoản tiền cũng được trao cho cộng đồng trong khu vực để xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống trường học, bệnh viện; cuối cùng mới đến những tên cướp trực tiếp thực hiện phi vụ.
Cướp biển là những người chi tiêu mạnh tay nhất ở Somalia, kể cả đối với những “tay trùm”. Họ phung phí đồng tiền xương máu của mình một cách nhanh chóng, dù nó là bao nhiêu, thay vì dùng số tiền kiếm được để thay đổi cuộc đời. Chỉ có một số ít, thường là các “trùm” lớn, bỏ tiền xây nhà cửa hoặc mua sắm ô tô. Ở Somalia, giá nhiên liệu vô cùng đắt đỏ. Một chiếc Toyota Land Cruiser - loại xe đa dụng được ưa chuộng nhất ở đây, có giá khoảng 30.000 USD. Người sử dụng sẽ mất thêm chừng 30.000 USD để mua nhiên liệu cho mỗi năm sử dụng. Ở quốc gia nghèo nhất thế giới này, chỉ có những tên cướp biển mới có đủ tiền để làm được điều đó.
Ở Somalia, cướp biển rất được kính trọng. Người sở hữu một chiếc xe hơi hiện đại càng được kính trọng hơn, nhưng với điều kiện: Đừng có mang chiếc xe đó đi sửa nếu nó bị hư. Dù chỉ là một vết trầy trên vỏ xe, một vết nứt trên kính, nếu người sở hữu mang ra hàng sửa chữa, sự kính trọng dành cho anh ta sẽ lập tức biến mất. Cách tốt nhất là thay một chiếc xe mới. Thế là, những “tay chơi” ấy lại gõ cửa ông trùm, xin một chân trong vụ cướp tiếp theo.
(Còn tiếp)