Trung Quốc nhắm tới lợi ích gì ở “lục địa đen”?

GD&TĐ - Trong nhiều thập kỉ, sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi phần lớn nhắm vào kinh tế, thương mại và các hoạt động gìn giữ hòa bình. Nhưng nay, Bắc Kinh đang xây dựng quan hệ dựa trên gia tăng liên kết quân sự để bảo vệ tài sản quốc gia trên lục địa này và có ảnh hưởng địa chính trị lớn hơn.

Trung Quốc nhắm tới lợi ích gì ở “lục địa đen”?

Gia tăng hiện diện quân sự

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực hiện tập trận chung đều đặn tại khu vực và tại một số quốc gia nhất định có những dự án hạ tầng lớn của Trung Quốc nằm trên hành lang hợp tác phát triển kinh tế “một vành đai, một con đường”.

Tại Djibouti, nơi các công ty Trung Quốc đã xây dựng các cảng chiến lược và tuyến tàu ray điện xuyên quốc gia đầu tiên, năm ngoái Bắc Kinh đã chính thức đưa vào hoạt động căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài – nơi này cũng có chức năng là một cơ sở hậu cần và tình báo. Nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có thêm các căn cứ của Trung Quốc ở hải ngoại trong những năm tới, trong đó Namibia được đồn đoán là một địa điểm nhiều khả năng.

Tại Tanzania, nơi tập đoàn kinh tế nhà nước China Merchants Holdings International đang hy vọng đầu tư tại siêu cảng biển Bagamoyo, Trung Quốc đã xây dựng một khu phức hợp được thiết kế để huấn luyện các lực lượng vũ trang địa phương vào đầu năm nay.

Và tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Trung - Phi lần đầu tiên được tổ chức mới đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ cung cấp cho các quốc gia châu Phi “sự hỗ trợ toàn diện” về các vấn đề như chống cướp biển và khủng bố. Sự hỗ trợ cũng bao gồm cả cung cấp công nghệ, thiết bị, nhân sự và tư vấn chiến lược.

Những động thái kể trên của Trung Quốc trong bối cảnh khả năng cao Mỹ sẽ giảm quân đội tại châu Phi theo chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump. Lúc đó, Trung Quốc sẽ trở thành sức mạnh nước ngoài vượt trội tại “lục địa đen”.

Lợi ích ngắn hạn và lâu dài

Gia tăng quan hệ quốc phòng mang lại ngay lợi ích trước mắt cho Trung Quốc, đặc biệt là nguồn lợi bán vũ khí - theo các chuyên gia.

“Trong những năm gần đây, doanh số vũ khí Trung Quốc bán sang châu Phi đã vượt qua Mỹ” - theo Luke Patey, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch: “Đặc biệt, những vũ khí nhỏ và hạng nhẹ được bán mạnh nhất do Trung Quốc ít bị hạn chế bán vũ khí tới các quốc gia xung đột, so với các nhà cung cấp vũ khí phương Tây”. Điều này đi liền với hợp tác quân sự mở rộng của Trung Quốc - Patey nhận xét.

Một mục tiêu thực dụng và ngắn hạn khác là bảo vệ lao động người Trung Quốc và những dự án do Trung Quốc đầu tư tại lục địa này.

“Mối quan tâm an ninh của Trung Quốc thực sự hướng vào công dân của họ, và ngoại giao quân sự được sử dụng khéo léo để bảo vệ họ và lợi ích của họ” - Viện Quan hệ Quốc tế Hà Lan nêu trong một báo cáo gần đây.

“Việc sơ tán hàng trăm công dân Trung Quốc và người nước ngoài khỏi Yemen năm 2015 - trên một tàu khu trục của quân đội Trung Quốc xuất bến từ bờ biển Somalia - cho thấy tầm quan trọng đến mức nào của một căn cứ hậu cần quân sự trên bờ biển phía Đông châu Phi đối với Trung Quốc” - báo cáo trên viết.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ lâu đã mô tả hợp tác Trung - Phi như một thỏa thuận “hai bên cùng có lợi” - mang tới Trung Quốc tài nguyên thiên nhiên và đổi lại là hạ tầng cần thiết cho các nền kinh tế châu Phi.

Tuy nhiên khi mà dòng thác đầu tư từ Trung Quốc có thể được chào đón bởi các chính phủ khan tiền trong khu vực, cũng có ý kiến lo ngại rằng nguồn viện trợ này có thể chuyển thành đòn bẩy chính trị.

Thậm chí có ý kiến cho rằng Trung Quốc, để bảo vệ những khoản đầu tư lớn tại Zimbabwe, đã có tác động đến cuộc đảo chính năm 2017 lật đổ Tổng thống Robert Mugabe - tuy nhiên chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc được cho là vô căn cứ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ