Việc Trung Quốc củng cố và phô trương quân sự tại một quốc gia châu Phi xa xôi không chỉ để bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc, mà còn gửi đi thông điệp về tầm ảnh hưởng quân sự xa hơn của nước này trên toàn cầu.
“Chen chân” lập căn cứ tại quốc gia tí hon
Djibouti là một quốc gia rất nhỏ bé về diện tích nhưng có mật độ căn cứ quân sự nước ngoài dày đặc nhất thế giới. Nằm kẹp giữa Somalia, Ethiopia và Eritrea – Djibouti nằm gần điểm hẹp nhất của Biển Đỏ trên hải trình qua kênh đào Suez – con đường biển nhộn nhịp hàng đầu thế giới.
Djibouti trở thành căn cứ quân sự chính của nhiều cường quốc châu Âu, châu Á và châu Mỹ bởi vị trí địa lí chiến lược và sự ổn định trong một khu vực nhiều bất ổn.
Djibouti hiện là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Phi – được xây dựng sau loạt vụ tấn công khủng bố nước Mỹ 11/9/2001.
Pháp, quốc gia từng đô hộ Djibouti, có hàng nghìn quân, máy bay, tàu chiến và chiến xa tại Djibouti.
Từ năm 2011, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) điều 180 quân tới căn cứ rộng 12 ha tại Djibouti, nằm gần căn cứ của Pháp. Từ đó, SDF thực hiện các cuộc tuần tra chống cướp biển bằng máy bay trên vùng biển Vịnh Aden và ngoài khơi Somalia. Đây là căn cứ quân sự duy nhất của Nhật tại nước ngoài. Italy cũng có căn cứ quân sự riêng tại Djibouti.
Đầu tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đưa vào sử dụng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, chỉ cách căn cứ của Mỹ vài dặm.
Thông điệp về sức mạnh quân sự
Cho thuê đất đặt căn cứ quân sự mang lại nguồn thu lớn cho Djibouti. Ví dụ Mỹ phải trả tiền thuê hàng năm 79 triệu A$, Nhật Bản trả khoảng 1,2 triệu A$... Đáng ngạc nhiên là Trung Quốc trả phí thuê lên tới 126 triệu A$.
Tuy nhiên để được đặt căn cứ quân sự tại Djibouti, thực tế Trung Quốc phải chi ra khoản tiền “ngoại giao” khổng lồ. Các ngân hàng Trung Quốc là nhà cung cấp vốn chính của ít nhất 14 công trình hạ tầng cho Djibouti với tổng giá trị lên tới 14,4 tỉ USD.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc nhắm tới mục đích gì khi đổ tiền của xây căn cứ quân sự tại Djibouti?
Theo lí giải khiêm tốn của Bắc Kinh, căn cứ này nhằm hỗ trợ cho hoạt động hộ tống trên biển, giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc, chống cướp biển và hành động bảo hộ người Hoa.
Nhưng theo các chuyên gia quân sự thì việc mở căn cứ quân sự ở nước ngoài nằm trong lộ trình chính sách quốc phòng của Trung Quốc. Theo tài liệu chính sách quốc phòng gần đây nhất của Bắc Kinh, công bố tháng 5/2015, “quân đội Trung Quốc sẽ hành động mạnh mẽ để có được ưu thế chiến lược trong việc điều động lực lượng và phương tiện quân sự”.
Căn cứ quân sự tại Djibouti trước mắt là một mắt xích trọng yếu bảo đảm an ninh cho vận tải, thương mại và thông tin cho “Chuỗi ngọc trai” – ám chỉ mạng lưới cảng biển dọc Ấn Độ Dương từ Trung Quốc đại lục tới Sudan. Đồng thời có vai trò thiết yếu bảo đảm kế hoạch xuất khẩu hàng hoá 1 tỉ USD/ngày tới châu Âu qua Vịnh Aden và kênh Suez.
Tuy nhiên phô bày sức mạnh quân sự ở một vùng đất xa xôi cũng hàm ý khẳng định vai trò lớn hơn của Trung Quốc với các vấn đề quốc tế. David Shedd, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, nhận xét: “Thông qua việc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài, Trung Quốc muốn gửi thông điệp tới thế giới về sự hiện diện quân sự quốc tế của họ”.