Cười ra nước mắt khi nữ điều dưỡng chăm sóc cụ ông

Có tận mắt chứng kiến công việc của các điều dưỡng viên, có tận tai nghe những câu chuyện bi hài trong quá trình chăm sóc người bệnh, tôi mới hiểu công việc “làm dâu trăm bệnh nhân” vất vả đến nhường nào...

Cười ra nước mắt khi nữ điều dưỡng chăm sóc cụ ông

Từ thay áo, tắm rửa cho người chết

Khi tôi đến khoa Tim - Mạch (Bệnh viện Hữu Nghị), những tiếng tút tút của máy đo tim mạch vẫn ngân lên ở khắp nơi. Nhiều bệnh nhân mới được chuyển đến trong tình trạng khá nặng và cũng có những bệnh nhân đã nằm ở đây cả tháng trời. 

Ngoài đội ngũ y bác sỹ, ở các bệnh viện luôn xuất hiện các nữ điều dưỡng viên. Trước kia, điều dưỡng thuộc biên chế bệnh viện, nhưng vài năm trở lại đây đã bắt đầu có những mô hình điều dưỡng theo yêu cầu của người bệnh. 

Một số đơn vị như viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, tổ chức Help, trung tâm N-Center… đã có những lớp chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân của xã hội.

Thấy bóng dáng của một nữ điều dưỡng, tôi đến bên giường bệnh của cụ bà Nguyễn Thị Kim Th. Cụ Th. năm nay đã 77 tuổi, nhà ở phố Điện Biên Phủ (Ba Đình, Hà Nội) bị suy tim, đã vào đây điều trị được gần một tuần. 

Ngồi bên cạnh cụ Th., cụ ông đã ngoài 80 tuổi, đang cầm tay săn sóc cụ bà. Thấy PV, cụ Th. ngồi dậy, vẻ mặt tươi vui, dù vẫn chưa hồi phục được nhiều.

Cụ Th. kể: “Tôi vào đây trong tình trạng bị suy tim khá nặng. Lúc đầu, các con tôi thay nhau chăm sóc, nhưng do công việc của chúng đều bận bịu nên chính tôi đã đề xuất tìm thuê điều dưỡng riêng để chúng bớt vất vả…”.

Cũng theo cụ Th., sau nhiều lần bàn tính, các con trong gia đình cụ mới đồng ý thuê điều dưỡng Nguyễn Thị Loan đang công tác tại viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng. Loan sinh năm 1991, quê ở Hải Dương, tốt nghiệp cao đẳng Y tế Quảng Ninh năm 2012. 

Khi ra trường, Loan cũng lăn lộn khắp nơi tìm việc, rồi cô phải làm ở phòng khám nha khoa… Tuy nhiên, từ bé đã ước mơ trở thành điều dưỡng, cô quyết tâm lên Hà Nội và tham gia khóa học chuyên sâu của viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng. 

Sau đó, Loan được Viện bố trí công việc chăm sóc các bệnh nhân già yếu tại các bệnh viện. Dù mới chăm cụ Th. chưa được một tuần nhưng bằng sự nhiệt tình, có chuyên môn, cụ Th. rất quý và xem cô như con cháu trong nhà.

Loan kể: “Có những bệnh nhân, sau thời gian dài chăm sóc, mình cảm thấy như đang chăm sóc chính người thân trong gia đình mình…”.

Cười ra nước mắt khi nữ điều dưỡng chăm sóc cụ ông - Ảnh 1

Điều dưỡng viên của viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng đang chăm sóc bệnh nhân.

Điều dưỡng Loan kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện xúc động về quá trình chăm sóc bệnh nhân B. (80 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bệnh nhân B. được đưa vào bệnh viện Việt – Xô trong tình trạng… chờ chết. Loan là điều dưỡng được cử để chăm sóc bệnh nhân B. 

Sau khi thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán, bệnh nhân B. sẽ không qua khỏi. Vì thế, các con cháu trong gia đình luôn túc trực tại bệnh viện, nhưng chẳng ai dám tận tay bóp ống thở, lau dọn vệ sinh cho nên Loan phải làm tất cả. Thời gian buổi tối nặng nề trôi, đến khoảng 22h, bệnh nhân B. trút hơi thở cuối cùng.

Lúc đó, tiếng khóc ran cả căn phòng nhưng cũng không ai dám tắm rửa, thay quần áo cho ông B. Dù có chút sợ hãi nhưng Loan vẫn nhẹ nhàng tự nhận nhiệm vụ, pha nước tắm rửa lần cuối, thay quần áo cho ông B. trước khi bệnh viện di chuyển thi thể ông ra nhà bảo quản. Cảm giác đó đến giờ Loan vẫn chưa thể quên.

Bệnh viện Hữu Nghị hiện có hàng trăm điều dưỡng viên đang ngày đêm miệt mài “làm dâu trăm họ”. Theo lời giới thiệu của lãnh đạo bệnh viện, tôi tìm gặp điều dưỡng Phạm Thị Ngà khi cô đang tất bật công việc chăm sóc bệnh nhân. 

Ngà thật thà: “Nói thật với anh, có những bệnh nhân khiến chúng tôi rất xúc động, đó cũng là động lực để chúng tôi vẫn bám trụ với cái nghề vất vả này”.

Ngà kể tiếp: Cách đây hơn một tháng, em được cử chăm sóc bệnh nhân Nguyễn Thị Ng. (74 tuổi, Hà Nội). Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân Ng., Ngà đã không may bị sốt virus, vì thế Ngà xin nghỉ ba ngày để điều trị. 

Trong quá trình Ngà nằm ở nhà truyền nước điều trị, người nhà bệnh nhân Ng. liên tục gọi điện, gửi quà đến thăm hỏi. Điều đó khiến Ngà rất xúc động. Sau đó, chăm sóc được hơn một tháng thì bà Ng. mất. Chính Ngà đã khóc như thể người thân của mình ra đi vậy.

Khi chăm sóc bệnh nhân Thạch Văn H. (60 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội), Ngà cũng có nhiều kỷ niệm. Ông H. bị tai biến, chảy máu não. Khi ông H. vào khoa Hồi sức cấp cứu (bệnh viện Hữu Nghị), Ngà là điều dưỡng chăm sóc chính. 

Lúc mới vào, bệnh nhân H. bị hôn mê, bất tỉnh, các bác sỹ chẩn đoán tình trạng rất xấu. Do bệnh nhân hôn mê sâu, không chủ động được việc vệ sinh, ăn uống… nên Ngà đã thay gia đình chăm sóc toàn bộ. Sau này, cô con dâu của ông H. đã đề nghị được nhận Ngà làm em gái trong gia đình…

Đến chuyện “bệnh nhân cứ đòi đi tắm…”

Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1991, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) khá xinh xắn. Nguyệt tốt nghiệp trường cao đẳng Y tế Huế năm 2012. Do ra trường không xin được vào bệnh viện, Nguyệt phải đi làm đủ nghề, từ phục vụ quán ăn, rồi làm lễ tân ở phòng khám Đông y… 

Sau đó, Nguyệt ra Hà Nội và trở thành điều dưỡng viên. Dù đã được học các kỹ năng về giao tiếp, về tâm lý bệnh nhân và một số kỹ năng mềm khác nhưng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, Nguyệt cũng nhiều lần rơi vào tình trạng… khóc dở mếu dở.

Có lần, Nguyệt được cử chăm sóc bệnh nhân là cụ ông N. đã hơn 70 tuổi. Cụ N. bị bệnh tim và chứng suy giảm trí nhớ. Dù thế, cụ N. dứt khoát không chịu đến bệnh viện. 

Cụ lại còn đòi gia đình mua cho sợi dây chuyền vàng gần hai cây để làm tài sản riêng. Chăm sóc cụ được hơn một ngày, bỗng cụ N. lu loa với con cháu rằng mất sợi dây chuyền. Và cụ chỉ thẳng vào Nguyệt nói: “Chỉ có cô điều dưỡng kia thôi…”.

Thế là chuyện ầm cả nhà, cả xóm. Mọi nghi ngờ dồn hết phía Nguyệt. Dù đã ra sức thanh minh nhưng không ai tin Nguyệt. Câu chuyện được lên công an phường. Cuối cùng, sợi dây chuyền được tìm thấy ở trong chiếc gối của cụ N. Hóa ra, cụ cất vào dưới gối cho kỹ để đi tắm nhưng sau đó… quên mất! Nguyệt được một phen hú vía.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Duyên lại kể cho chúng tôi những tình huống bi hài khác. Khi chăm sóc bệnh nhân M. (72 tuổi) tại bệnh viện Bạch Mai, Duyên được người nhà rất quý. 

Vì thế, gần như cả ngày cả đêm, Duyên phải ăn ở trong bệnh viện để chăm cụ M. Ngay hôm đầu tiên nhận nhiệm vụ, Duyên đã thấy bất thường và nhiều khi đỏ hết mặt vì bắt gặp cụ M. cứ nhìn chằm chằm vào… mấy cái cúc áo, rồi đòi đi tắm... Tuy nhiên, chỉ nghĩ là việc bình thường nên Duyên vẫn nhẹ nhàng, tận tâm chăm sóc cụ.

“Hai tiếng sau, lúc đó khoảng 10h sáng, cụ đòi em đưa đi tắm. Dù đã giải thích là chưa đến giờ và vẫn còn sạch sẽ, chưa cần tắm nhưng cụ M. vẫn không nghe. 

Thế là, em đưa cụ vào phòng tắm. Khi vào đến nơi, em bảo cụ cởi quần áo để tắm. Lúc đó, cụ cứ loay hoay, lúng túng. Hóa ra cụ vẫn còn thẹn thùng…”, Duyên chia sẻ.

Câu chuyện điều dưỡng Lê Thị Dung lại “khó đỡ” ở một góc độ khác. Cụ bà T. rất quý Dung, vì cô có chuyên môn tốt, lại chăm chỉ, thật thà. Tuy nhiên, do đã bị suy giảm nhiều về trí nhớ nên nhiều lúc cụ nói những câu rất bi hài. Chẳng hạn, có lần cụ bảo với Dung: “Sau này, lúc nào bà chết, cháu đi theo bà nhé!”, hay “Bà mà chết, cháu về ở với ông nhé!”...

Còn với cụ ông Đoàn Văn Th. (76 tuổi, trú tại Thái Thịnh, Hà Nội), Dung cũng gặp chuyện bi hài. Cụ Th. là một tiến sỹ Toán học nên cái gì cụ cũng quy ra… con số. 

Chẳng hạn, khi đánh răng, cụ yêu cầu Duyên đánh mỗi bên hàm đúng 40 lần và cụ đếm rất kỹ. Có hôm, Duyên đánh thiếu một lần. Hôm sau, khi đi đánh răng, cụ bảo: “Hôm qua, cháu đánh thiếu một lần nên hôm nay phải đánh phía hàm trên bên phải 41 lần nhé!”…

PGS.TS.Trần Trọng Hải - Chủ tịch hội Phục hồi Chức năng Việt Nam, Viện trưởng viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng - cho biết:

Theo ước tính của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều dưỡng viên đóng góp 70% vào quá trình hồi phục của người bệnh. Ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Anh…, điều dưỡng được đánh giá rất cao và giữ nhiều vị trí quan trọng của bệnh viện.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghề điều dưỡng chưa thực sự được nhìn nhận một cách đúng mức. Tại Việt Nam, điều dưỡng mới được nhìn nhận với vai trò là y tá, tức là chỉ có nhiệm vụ thực hiện y lệnh của bác sỹ.

Thực tế, họ còn làm nhiều việc khác trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, từ chăm sóc bữa ăn, vệ sinh thân thể bệnh nhân, cho bệnh nhân uống thuốc, tổng vệ sinh giường bệnh…
Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ