1. Trân quý tình cảm gia đình
Xa nhà, điều thiếu thốn nhất mà bất kỳ học sinh, sinh viên nào cũng phải thừa nhận, đó là mặt tinh thần, tình cảm.
Bao nhiêu năm chung sống cùng gia đình, bên người thân, ngày ngày gặp nhau, cùng trò chuyện… nhưng giờ đây, bạn chỉ còn lại một mình.
Thời gian sống cùng gia đình nhiều người không biết quý trọng, thường cằn nhằn, khó chịu trước sự quan tâm của ba mẹ… nhưng đến khi xa rồi, thì bạn mới thấy hối tiếc.
Bạn sẽ nhớ cái cảm giác được quan tâm, vỗ về; thèm nghe lời trách móc, nhắc nhở; thèm những cuộc tranh cãi với anh em... Nhất là khi có chuyện buồn chán, khi thất bại, khi ốm đau… lại càng thấy cô đơn và tủi thân hơn.
Bạn tự nhiên nhớ những món ăn mẹ nấu. Nhớ ra nhiều bài học bố đã từng dạy, và thấy chúng vô cùng bổ ích. Bạn đếm lui đến kỳ nghỉ để được về với gia đình và cảm thấy những cuộc chuyện trò qua điện thoại, qua skype thật là không đủ.
2. Có trách nhiệm với bản thân hơn
Sống xa nhà, sẽ chẳng có ai đứng ra giúp đỡ bạn khi khó khăn. Bạn hoàn toàn phải tự sắp xếp công việc, tự làm mọi thứ, tự ra quyết định và đương nhiên, phải tự có trách nhiệm với những gì mình làm.
Bạn là người điều khiển cuộc sống của mình, vì vậy hãy có trách nhiệm với nó. Không chỉ ở việc học, việc làm, cuộc sống mà còn là trách nhiệm với chính bản thân. Phải tự chăm lo sức khỏe, ăn uống, phải cân bằng cuộc sống…
Và cuối cùng là trách nhiệm với gia đình, người thân, những người ở nơi xa vẫn đang ngày đêm trông ngóng, nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng ở nơi bạn.
3. Tự giác hơn trong công việc nhà
Nấu ăn, lau dọn, thay bóng đèn, thông rãnh thoát nước trong phòng tắm… tất cả những công việc trước giờ bạn chưa từng phải động tay, giờ sẽ là trọng trách của bạn.
Bạn sẽ phải lo tất cả. Từ bữa cơm hàng ngày, đến đống quần áo bẩn, tới cái phòng cần quét dọn, vệ sinh… Bạn phải lo từng túi muối, túi đường, từng gói bột giặt, từng chai nước rửa chén… thứ mà ở nhà, bạn chỉ biết dùng sẵn mà chẳng bao giờ đi mua.
Xa nhà, bạn sẽ thấy trình nấu ăn của mình “lên tay” hơn, trở thành người tiêu dùng khôn ngoan hơn trong các khoản chi tiêu.
4. Kiếm tiền bằng khả năng
Đi học xa nhà, xa hơn là du học vừa là bước đánh dấu cho quá trình tự lập về việc sử dụng đồng tiền, vừa là cơ hội để bạn kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình.
Bất kể công việc của bạn là chạy bàn ở quán cafe, giữ trẻ, gia sư , bán hàng thì bạn cũng sẽ trải qua cảm giác xúc động khi lần đầu tiên được cầm tiền lương trên tay.
Hiểu được giá trị đồng tiền, bạn tự nhiên sẽ có trách nhiệm hơn với khoản tiền mà gia đình chu cấp cho việc du học và suy tính kỹ càng hơn trước khi chi tiêu.
5. Bạn học được từ những chuyến đi
Học tập trong môi trường đa văn hóa sẽ mang đến bạn nhiều “cú chạm” văn hóa. Bạn sẽ nhận được lời mời về chơi nhà của cô bạn thân Đức, chia nhà với cô nàng Canada ham tiệc tùng, học nhóm chung với cô gái Tây Ban Nha lúc nào cũng hừng hực sức sống…
Nói chuyện với bạn bè nước ngoài về những chuyến đi của họ, tự nhiên bạn sẽ háo hức nghĩ về chuyến đi của mình. Từ những chuyến đi thú vị ấy bạn sẽ khám phá ra nhiều điều hay ho về bản thân không nhận ra bởi “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
6. Học cách “đối nhân xử thế”
Sống xa nhà, sẽ chẳng có ai nhắc nhở hay khuyên răn là bạn nên chơi với người này, nên tránh xa người kia hay bảo vệ bạn khi bị người khác bắt nạt, nói xấu….
Bạn phải tự học cách nhìn người, phải tự mình biết cân bằng các mối quan hệ: Bạn chung nhà, bạn học, đồng nghiệp chỗ làm thêm…
Và cuộc sống xa nhà bận rộn không cho phép bạn dành nhiều thời gian cho những vấn đề của người khác. Chỉ cần tập trung vào những mối quan hệ thân thiết và quan trọng “ít nhưng chất” của mình.