Nhà nhỏ đến mức chỉ một người nằm là không ai có thể đi lại. Đó là nơi sinh sống của 4 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Tỉnh (ngõ Phát Lộc, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bên trong căn nhà nhiều đinh
Theo sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Khánh Long, Tổ trưởng tổ dân số 20 hàng Buồm chúng tôi cũng tìm được đến nhà của bà Nguyễn Thị Tỉnh. Bắt gặp cụ bà ngôi đầu ngõ, tuổi đã cao, nhìn bà có phần chậm chạp, nói chuyện có phần khó khăn khi phát âm.
Bà ngồi trên chiếc ghế nhỏ, ngắm người qua lại trong khu. Qua dò hỏi thì chúng tôi biết rằng, nhà có cậu con trai đang ngủ nên bà ra đầu ngõ ngồi cho thoáng. Nhà chật quá, bà không còn chỗ ngồi.
Nằm sâu trong ngõ Phất Lộc (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn hộ của bà Nguyễn Thị Tỉnh được cho là căn hộ đặc biệt. Gọi là nhà cho sang chứ thực ra nó như một cái hộp diêm.
Ngày xưa, bà Tỉnh làm việc trong nhà máy thực phẩm nhưng do sức khỏe phải về hưu non ở tuổi 40. Hồi chồng bà còn sống, kinh tế gia đình không đến nỗi nào. Nhưng mọi thứ thay đổi, gia đình bà phải bán nhà đi. Căn nhà chưa đến 4m2 này vốn là nhà bếp của mẹ đẻ để lại cho vợ chồng bà Tỉnh.
Bên trong nhà ngổn ngang đồ đạc. Ảnh: Ngọc Thi
Đồ đạc không có nhiều nhưng nhìn nhà chật cứng. Toàn bộ quần áo, đồ dùng, bát đĩa của gia đình đều được treo kín 4 vách tường. Có lẽ đây là căn nhà có nhiều đinh nhất Hà Nội.
Tất cả vật dụng đều được treo lên tường, gom vào bao nilông móc vào đinh. Căn nhà nhỏ nhưng trên tường rất nhiều đinh. Chỗ thì để móc áo quần và ti tỉ những đồ dùng lỉnh kỉnh không tên.
Sách vở của trẻ nhỏ treo để trên gác. Bát đĩa để trong cái tủ nhôm bé treo ngoài tường. Tủ quần áo cũng phải treo dọc bức tường. Nồi niêu treo ở gờ tường bên ngoài. Trong nhà có cái tivi là đáng giá. Bà bảo, nhà chật nên mua tủ lạnh mini, mỏng, treo lên để chừa chỗ buổi tối ngủ còn duỗi chân được.
Mùa hè, căn phòng trở nên oi bức đến mức không ngủ được. Đối với người già, không khí ngột ngạt ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bà Tỉnh kể, mùa hè thì hay ra đầu ngõ ngồi vì còn thoáng hơn trong nhà.
Trăn trở khi cậu con trai chưa cưới vợ
Khó khăn só với người khác nhưng với bà Tỉnh việc sống trong ngôi nhà chật hẹp suốt mấy mươi năm qua đã thành quen. Gia đình bà cũng đã thích ghi với sự chật hẹp, khốn khó này. Bà bảo, báo đài đến hỏi nhưng không giúp ích được gì, không còn muốn tiếp đón nữa.
Giờ đây, đối với người phụ nữ gần đất xa trởi này, nỗi trăn trở lớn nhất là cậu con trai đã lớn tuổi nhưng chưa lấy vợ. Bà bảo, một trong những nguyên nhân ấy vợ cũng là do hoàn cảnh gia đình, nhà cửa chật chội, khó có người phụ nữ thông cảm để đến với nhau.
Bên ngoài ngôi nhà bà Tỉnh. Ảnh: Ngọc Thi
Con trai bà là Lê Văn Dũng, sinh năm 1960. Lúc chúng tôi đến anh đang ngủ sau khi vừa đi làm về. Trước đây, từng có thời gian anh Dũng đi làm xa nhà nhưng được một thời gian anh chuyển về Hà Nội. Hiện tại, hằng ngày anh làm xe ôm, kiếm đồn ra đồng vào lo cơm áo cho mẹ già.
“Ở tuổi nó người ta vợ con ổn định rồi, hoàn cảnh nghèo khó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nó không lấy vợ. Bây giờ, tôi đã già, không còn khả năng kiếm tiền. Tôi giờ sống ngày nào con cái lo ngày đấy. Ở phố này bán hàng nước cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng làm mức nào tiêu mức đấy, mong muốn đổi nhà đến chỗ rộng rãi là điều không thể”, bà Tỉnh bộc bạch.
Nói về cuộc sống của gia đình bà Tỉnh, ông Nguyễn Khánh Long, tổ trưởng tổ dân phố số 20 Hàng Buồm cho biết: “Đây là một những hộ thuộc diện khó khăn của phường. Gọi là nhà nhưng thực chất nó là miếng đất nhỏ gia đình anh em nhượng lại. Các thành viên trong gia đình cũng không có kinh tế ổn định, cô con gái thì bán hàng rong ở chợ”.