Cuộc khủng hoảng thầm lặng

GD&TĐ - 3 tháng qua, thế giới rúng động vì chiến sự ở Ukraine cả trên thực địa và truyền thông.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Song có một cuộc khủng hoảng khác như hậu quả của cuộc xung đột đó, ngấm ngầm nhưng đe dọa không kém, đó là an ninh lương thực, là nạn đói cận kề.

Không bao lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá các loại cây trồng và nguyên liệu quan trọng như lúa mì, ngô và dầu thực vật đã tăng vọt, dẫn tới giá sinh hoạt tăng khiến đời sống người dân chao đảo.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hôm 24/5, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực do gián đoạn nguồn cung vì cuộc chiến ở Ukraine. Bà nói “nỗi lo toàn cầu về khả năng tiếp cận thực phẩm với giá cả hợp lý đang gia tăng tột độ”.

Chiến sự làm gián đoạn việc sản xuất nông nghiệp ở Ukraine - một trong những vựa lúa mì của thế giới. Việc vận chuyển các sản phẩm đã thu hoạch từ khu vực cũng bị bế tắc.

“Chúng ta đã thấy những cú sốc về giá hàng hóa ở nhiều nước. Chúng ta đã chứng kiến giá dầu giảm, nhưng giá thực phẩm vẫn tiếp tục đi lên và đi lên” - bà Georgieva nói. “Chúng ta có thể giảm sử dụng xăng dầu khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng chúng ta phải ăn hàng ngày”.

Achim Steiner, quản lý của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cũng bày tỏ quan ngại của mình về an ninh lương thực tại Davos. Ông nói rằng cuộc chiến ở Ukraine “rất kịch tính theo nhiều cách”, trong đó có khủng hoảng nghiêm trọng về lương thực, nhiên liệu và tài chính. “Cho đến ngày hôm nay, không có lý do gì để tin rằng đây là một thách thức ngắn hạn mà thế giới chưa chuẩn bị”, ông cảnh báo.

Theo Steiner, 200 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, gấp đôi so với con số của 5 năm trước.

Một nhóm gồm 50 nhà kinh tế được Diễn đàn Kinh tế Thế giới khảo sát cho biết, thế giới đang tiến dần tới cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất được ghi nhận, mà các nước ở châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong bối cảnh đó, một loạt các tổ chức toàn cầu - bao gồm IMF và Ngân hàng Thế giới - đã thông báo vào tuần trước rằng họ đã phát triển một “kế hoạch hành động” trị giá hàng tỷ USD để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Có vẻ sau 3 tháng chiến sự, các bên đều nhận ra mối đe dọa an ninh lương thực nghiêm trọng không kém việc giành giật quyền kiểm soát các vùng đất ở Ukraine hay tương lai chính trị Ukraine.

Phát biểu tại thành phố Bonn của Đức khi cuộc đàm phán G7 diễn ra, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nhắc tới nguy cơ an ninh lương thực. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng, châu Âu cần tìm kiếm các cuộc đàm phán với Nga về khả năng khôi phục hoạt động xuất khẩu lúa mì và các nguồn cung cấp thực phẩm khác từ Ukraine.

Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết, Nga sẵn sàng cung cấp hành lang nhân đạo cho các tàu chở thực phẩm rời Ukraine, đổi lại việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt với hàng hóa xuất khẩu và giao dịch tài chính của Nga. Ngoài ra, Nga cũng yêu cầu phía Ukraine rà phá bom mìn đối với tất cả các cảng nơi tàu neo đậu

Các cảng ở Biển Đen của Ukraine đã bị phong tỏa kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, với hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa ở nước này.

Nếu vấn đề an ninh lương thực không được giải quyết, đây sẽ không chỉ là vấn đề nhân đạo với các nước đang phát triển, mà nguy cơ nhãn tiền là ở từng quốc gia châu Âu, các chính phủ sẽ bị đe dọa khi đối mặt với sự bất bình từ chính người dân của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.