Tuy nhiên, một loạt các doanh nghiệp kinh doanh lương thực đã rũ bỏ trách nhiệm để đưa gạo đi xuất khẩu trong khi trúng thầu cung cấp gạo cho kho dự trữ Quốc gia gây bức xúc dư luận.
Chỉ 4/28 doanh nghiệp kí hợp đồng cấp gạo dự trữ
Dịch Covid-19 chuyển biến phức tạp khiến nhiều nước trên thế giới gia tăng tích trữ lương thực đã đẩy giá gạo toàn cầu liên tục “leo thang”. Tại Việt Nam, tình hình vụ mùa thuận lợi khiến cho mặt hàng lúa gạo của chúng ta có nhiều ưu thế.
Trước xu thế trên, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lúa gạo đã tăng cường xuất khẩu. Với lý do diễn biến giá trên thị trường tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo… các DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ Quốc gia đã trốn tránh việc kí hợp đồng giao gạo cho kho dự trữ và một số doanh nghiệp đã đưa gạo đi xuất khẩu.
Theo thông tin từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính), cơ quan này mới chỉ mua vào được 7.700 tấn gạo dự trữ, trong tổng số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên nhân chính là do chỉ có 4 DN đã kí kết hợp đồng, trong đó, có 2 DN ký hợp đồng cung ứng toàn bộ số lượng đã trúng thầu là 7.700 tấn, 2 DN còn lại kí kết cung cấp một phần số lượng đã kí. 24/28 DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ, nhưng từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối kí hợp đồng với Tổng cục Dự trữ Nhà nước số lượng 172.100 tấn.
Trước sự trốn tránh trách nhiệm dự trữ lương thực quốc gia của các DN, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới đây đã phải công bố danh sách DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ Quốc gia năm 2020 nhưng từ chối kí hợp đồng cung cấp gạo cho kho dự trữ quốc gia.
Điều khiến dư luận bất bình, là thông tin từ Tổng cục Hải quan, cho biết: Có 4 DN đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia, nhưng lại từ chối thương thảo hợp đồng và từ chối ký hợp đồng thực hiện, trong khi họ lại đăng ký xuất khẩu gạo. Đó là Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng.
Tuy nhiên, Tổng công ty Lương thực miền Bắc lại đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu số lượng 7.200 tấn. Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn cho kho dự trữ quốc gia nhưng không thực hiện, vậy mà DN này đã đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Hai DN khác gồm: Công ty CP Mỹ Tường trúng thầu 900 tấn và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Minh trúng 1.000 tấn cũng nằm trong danh sách trúng thầu gạo của dự trữ quốc gia, nhưng chưa ký hợp đồng mà lại đăng ký số tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Cần có chế tài
Tại cuộc họp về việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Xuất khẩu gạo nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh Covid-19, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan”.
Thế nhưng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phải tiến hành phát hồ sơ trên hệ thống tổ chức đấu thầu cung cấp lại 182.300 tấn gạo cho Kho dự trữ Quốc gia. Nguyên nhân chính là do các DN bỏ thầu đã gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu mua dự trữ gạo quốc gia, làm chậm tiến độ dự trữ gạo quốc gia theo kế hoạch ban đầu.
Cũng theo Luật Đấu thầu, đối với 24 DN từ chối ký hợp đồng sẽ bị thu số tiền bảo đảm dự thầu, khoảng 1-3% theo quy mô, giá trị gói thầu. Ngoài ra, Luật Đấu thấu và các văn hướng dẫn không có chế tài xử lý nào khác, do đó các doanh nghiệp đã trốn tránh việc dự trữ quốc gia vừa qua vẫn có thể tham gia đợt đấu thầu mới vào tháng 5. Đây là vấn đề Tổng cục Dự trữ Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để có biện pháp xử lý đủ sức răn đe, làm rõ trách nhiệm của DN với nhiệm vụ an ninh lương thực và dự trữ Quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần có chế tài xử lý những DN trúng thầu nhưng không ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Theo đó, có thể không cho phép những DN đó xuất khẩu gạo, nhằm bảo đảm trách nhiệm với dự trữ nhà nước trước khi xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia.
Trước đó, tại Công văn 4355/BTC-QLG, Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thực hiện xuất khẩu gạo với những DN đã trúng thầu với những Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, phải giao gạo xong cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Được biết, Bộ Công Thương mới đây đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Đại diện Cục an ninh Kinh tế tổng hợp - Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Hiệp hội lương thực Việt Nam để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký công văn 4763/BTC - VP đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xác minh làm rõ nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo. Nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tính tổng thể các vấn đề báo chí, doanh nghiệp, mạng xã hội phản ánh dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hoạt động xuất khẩu gạo.