Cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka: Trông chờ vào đoàn kết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Ngày 9/7, Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka cho biết, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa thông báo với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe rằng ông sẽ từ chức theo thông báo trước đó.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ông Gotabay được cho là sẽ từ chức vào ngày 13/7, còn Thủ tướng Ranil cũng sẽ từ chức dù chưa rõ thời gian để chính phủ lâm thời của các đảng tiếp quản.

“Mầm mống” sụp đổ của Chính phủ Sri Lanka xuất hiện từ khi Tổng thống Gotabaya lên nắm quyền điều hành đất nước và ban hành nhiều chính sách gây tranh cãi như cắt giảm thuế, in tiền số lượng lớn... Điều này đã dẫn đến việc lạm phát tăng phi mã và khiến đất nước mất đi nguồn thu thuế tương đối lớn hàng năm.

Đến khi đất nước thiếu hụt ngân sách và nguồn vốn ngoại tệ, Chính phủ Gotabaya bắt đầu lạm dụng việc vay nợ nước ngoài hàng tỷ USD nhiều năm liên tiếp. Đến nay, đất nước này tuyên bố vỡ nợ với khoản vay trị giá hơn 51 tỷ USD, trong đó, Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất.

“Trận bão” đổ bộ vào dinh thự của Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhiều người Sri Lanka cảm thấy bế tắc, không có lối thoát nên biểu tình chống phá là cách người dân thể hiện sự lo sợ trước tương lai mịt mờ.

Trong khi bối cảnh chính trị của Sri Lanka rơi vào xáo trộn, những người biểu tình thoải mái vui chơi trong hồ bơi, tập thể dục ở phòng gym trong các dinh thự.

Việc hai chính khách đứng đầu quốc gia từ chức được coi là sự kiện đáng ăn mừng và xoa dịu phần nào cơn giận dữ của đám đông nhưng câu hỏi cấp bách hiện nay là tương lai nào cho Sri Lanka khi Tổng thống lẫn Thủ tướng đều từ chức?

Theo quy định của hiến pháp Sri Lanka, khi Tổng thống tuyên bố từ chức, Thủ tướng sẽ lên nắm quyền. Nếu hai người đồng loạt từ chức, Chủ tịch Quốc hội, hiện là ông Mahinda Yapa Abeywardena, có thể trở thành Tổng thống lâm thời 30 ngày.

Trong thời gian này, Tổng thống lâm thời sẽ tổ chức bầu cử lãnh đạo kế tiếp giữa các thành viên trong quốc hội. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay tại Sri Lanka không thể chờ đợi các cuộc bầu cử.

Cuộc sống của người dân đã lâm vào cảnh thiếu thốn đủ đường từ lương thực, nhiên liệu đến thuốc men. Trường học đã phải đóng cửa còn đất nước vỡ nợ, cạn nhiên liệu, phải ngừng in tiền.

Hơn nữa, Tổng thống Gotabaya cùng Thủ tướng Ranil từ chức đã để lại sự chia rẽ trầm trọng giữa các đảng phái chính trị đất nước. Bất kỳ tổng thống hay thủ tướng mới lên nắm quyền sẽ phải lấy lại niềm tin đã mất từ tầng lớp chính trị và người dân, giải quyết vấn đề tư tưởng phe phái trong nội các đất nước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ hy vọng Sri Lanka sẽ đạt được một giải pháp cho tình trạng chính trị bất ổn hiện nay nhằm nối lại các cuộc đàm phán về gói cứu trợ cho kinh tế nước này. Mỹ cũng kêu gọi quốc hội Sri Lanka đoàn kết để giải quyết vấn đề chung của quốc gia, thay vì chia rẽ đảng phái chính trị.

Cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka không thể giải quyết trong một sớm một chiều nhưng nếu hiện nay quốc gia châu Á này không thể đoàn kết trở lại, không một quốc gia hay tổ chức nào có thể giúp đỡ Sri Lanka phục hồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ