Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục Sri Lanka, chính quyền các địa phương nhận thấy tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các trường phổ thông đi học rất thấp.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu phương tiện giao thông, không có sẵn nhiên liệu cho các phương tiện giao thông công cộng và phương tiện cá nhân.
Đứng xếp hàng phụ bố mẹ mua dầu hỏa, nữ sinh Hasna, 16 tuổi, học sinh đến từ Colombo, chia sẻ: “Không được đi học mà lại đứng đây khiến em cảm thấy rất buồn. Trước đây, em chưa bao giờ phải làm những việc như vậy nhưng bây giờ bắt buộc phải đi vì trường học cũng chẳng mở cửa”.
Theo Hasna, việc di chuyển đến nơi bán dầu hỏa giờ đây cũng là một chi phí rất lớn bởi giá xe bus trước đây là 30 rupee (khoảng 2 nghìn đồng) nay đã tăng lên 200 rupee (khoảng 13 nghìn đồng). Do đó, em thường tập hợp bạn bè trong thị trấn để cùng nhau di chuyển và chia nhỏ chi phí.
Câu chuyện của Hasna là tình trạng chung của hàng nghìn học sinh trên cả nước. Việc phải nghỉ học diễn ra trong bối cảnh vấn đề thiếu nhiên liệu tại Sri Lanka ngày càng trầm trọng. Nhiều gia đình phải xếp hàng 2 ngày để đổ xăng cho ô tô. Trong khi đó, trẻ em ở nhà không được đi học, phải thay bố mẹ làm việc nhà nên nảy sinh tâm lý lo lắng, bất an.
Không đủ nhiên liệu cho phương tiện cá nhân lẫn phương tiện giao thông công cộng, trẻ em trên khắp đất nước không có cách nào để đến trường. Nhiều trường học ở Sri Lanka đã phải đóng cửa trong 1,5 năm trong thời kỳ đại dịch đạt đỉnh nhưng kể từ khi trường mở cửa lại vào đầu năm 2022, các trường tiếp tục dừng hoạt động nhiều lần do cuộc khủng hoảng nhiên liệu.
Theo đánh giá từ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save The Children), 50% gia đình tại Sri Lanka đang gặp khó khăn với việc học tập của con cái do hậu quả của cuộc khủng hoảng nhiên liệu.
Một số trẻ em đã phải nghỉ học. Với thông báo đóng cửa mới nhất, trẻ em trên toàn quốc không chỉ bị gián đoạn học tập mà còn gặp khó trong tiếp cận các bữa ăn miễn phí tại trường - “chiếc phao cứu sinh” cho những trẻ em nghèo nhất đất nước.
Chính phủ Sri Lanka đã yêu cầu trường học trên toàn quốc nối lại hệ thống giáo dục trực tuyến được áp dụng trong dịch Covid-19, nhưng nhiều gia đình không đủ tiền đăng ký Internet hay mua thiết bị công nghệ. Tại các vùng nông thôn, nhiều học sinh thừa nhận không đủ khả năng truy cập Internet hoặc phải dùng chung thiết bị với các thành viên trong gia đình. Do đó, việc học trực tuyến gần như là bất khả thi.
Ông Ranjan Weththasinghe, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Sri Lanka, chia sẻ: “Trẻ em trên khắp đất nước đã phải trải qua hai năm kinh hoàng do dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng kinh tế và nhiên liệu đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn so với trước khi đại dịch xảy ra. Chúng tôi vô cùng lo ngại cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ kìm hãm trẻ em Sri Lanka trong nhiều năm tới”.
Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo đang kêu gọi các chương trình tài trợ khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình hình xấu đi trong nước. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Sri Lanka cũng đang triển khai chương trình “Lương thực vì giáo dục” trên 887 trường học. Dự án sẽ đồng hành cùng chính phủ cung cấp bữa ăn học đường nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và giảm tỷ lệ bỏ học trên toàn quốc.