Người biểu tình xông vào tư dinh Tổng thống Sri Lanka, Thủ tướng triệu tập họp khẩn

GD&TĐ - Hôm nay (9/7), các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở Sri Lanka. Người dân xuống đường ở Colombo, yêu cầu Tổng thống đương nhiệm Gotabai Rajapaksa từ chức. Họ tìm cách vào được tư dinh của nguyên thủ quốc gia này.

Biểu tình ở Sri Lanka.
Biểu tình ở Sri Lanka.

Sáng nay, hãng tin AFP đưa tin người biểu tình bao vây tư dinh của ông Rajapaksa. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Theo số liệu mới nhất, hơn 30 người bị thương, bao gồm cả nhân viên thực thi pháp luật.

Đám đông người biểu tình đã vượt qua hàng rào, vào bên trong địa phận nơi ở của Tổng thống và hô vang các khẩu hiệu.

Video người biểu tình xông vào tư dinh Tổng thống Sri Lanka.

Thủ tướng triệu tập cuộc họp khẩn cấp

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo đảng vì các cuộc biểu tình đang diễn ra ở thủ đô.

Theo ghi nhận từ Văn phòng Thủ tướng, cuộc họp sẽ thảo luận về tình hình hiện tại và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch Hạ viện triệu tập cuộc họp.

Kêu gọi Tổng thống từ chức

Một nhóm đại biểu đã kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức – hãng tin Adaderana cho hay. Ngoài ra, trong một cuộc họp khẩn cấp, lãnh đạo các đảng phái của Sri Lanka cũng kêu gọi ông Rajapaksa từ chức.

Trước đó, ông Rajapaksa cho biết ông sẵn sàng tuân theo quyết định được đưa ra tại cuộc họp của lãnh đạo các bên.

Tình hình kinh tế ở Sri Lanka

Ngày 22/6, Thủ tướng Sri Lanka thông báo về sự sụp đổ của nền kinh tế. Ông cho biết đất nước thiếu nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực. Bên cạnh đó, khoản nợ nước ngoài của Sri Lanka bị vỡ nợ lên tới 51 tỷ USD, trong đó khoảng 700 triệu USD là khoản nợ của công ty dầu khí nhà nước Ceylon Petroleum Corporation.

Ngày 30/6, tờ Daily Mirror đưa tin, ông Rajapaksa gửi thư cho Tổng thống Nga Putin đề nghị hợp tác mua dầu trong bối cảnh Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu rất lớn.

Ông Alexey Kupriyanov – trưởng nhóm khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương của Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế IMEMO cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka có nguyên nhân khách quan. Theo ông, đất nước này chủ yếu phụ thuộc vào dòng khách du lịch nhưng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là vấn đề nội bộ lục đục dẫn đến việc không đưa ra được quyết định cần thiết.

Sri Lanka không sản xuất dầu và các sản phẩm từ dầu. Do thiếu ngoại hối nên nước này cũng không thể thanh toán cho hàng nhập khẩu.

Theo Izvestia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ