Dù mở rộng đào tạo nhiều lĩnh vực như Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán lượng tử, Chế tạo người máy (Robot), thì chỉ tiêu tuyển sinh không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong thời đại công nghệ.
Cạnh tranh gay gắt
Tại châu Á, Trung Quốc là “mảnh đất màu mỡ” nhất dành cho nghiên cứu sinh quốc tế nhóm ngành STEM. Không chỉ đầu tư vào đại lục, Trung Quốc còn thúc đẩy sức hấp dẫn của giáo dục Hồng Kông. Tháng 11/2020, Carrie Lam, Trưởng đặc khu Hồng Kông, đã công bố kế hoạch thu hút nghiên cứu sinh STEM quốc tế trị giá 275 triệu USD.
Các quốc gia khác như Nhật Bản có yêu cầu tương đối nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn nghiên cứu sinh bởi những lo ngại về mặt chiến lược. Nhật cũng dành ưu tiên nhiều hơn cho nghiên cứu sinh trong nước hoặc người đến từ các quốc gia khác trong khu vực.
Singapore cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng đào tạo cao học ngành Khoa học, Kỹ thuật bằng cách tăng cường phân bổ tài chính, nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học. Chính phủ Singapore đã tài trợ 300 triệu USD cho chương trình nghiên cứu AI dự kiến đến năm 2023.
Tuy nhiên, Tan Eng Chye, Chủ tịch Trường Đại học Quốc gia Singapore nhận xét, trong lĩnh vực AI, việc cạnh tranh tuyển sinh là rất cao. Trong đó, Mỹ có tiềm lực mạnh nhất khi so sánh với các quốc gia khác.
Chủ tịch Tan cho biết: “Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh tương đối gay gắt khi tuyển dụng nhân tài ngành KHCN. Khi những con voi chiến đấu, Singapore phải tìm cách để không bị bỏ lại. Chúng tôi cần đội ngũ các nhà nghiên cứu người Singapore và quốc tế trong lĩnh vực AI hay Công nghệ lượng tử”.
Dân số giảm và chảy máu chất xám
Mối quan tâm tới đào tạo nghiên cứu sinh trong các lĩnh vực chiến lược xuất hiện vào thời điểm nhiều quốc gia châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chứng kiến dân số giảm.
Điều này đồng nghĩa nghiên cứu sinh bản địa đăng ký chương trình tiến sĩ sẽ giảm. Hơn nữa, số lượng đông thanh, thiếu niên sẽ du học ngành KHCN tại Mỹ, Anh thay vì học trong nước.
Tình trạng dân số già tại các quốc gia châu Á cũng là đáng báo động bởi lĩnh vực KHCN rất cần những tài năng trẻ có sự sáng tạo, tính nhanh nhạy nắm bắt xu hướng.
Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Đài Loan cho thấy, các nhà nghiên cứu từ 55 tuổi trở lên đã tăng từ 7,1% vào năm 2015 lên 8,8% vào năm 2019; người ở độ tuổi 45 - 54 tăng từ 16,5% lên 17,7%.
Ngược lại, các nhà nghiên cứu ở độ tuổi 35 - 44 giảm từ 35,5% xuống 34,7%. Và những người dưới 34 tuổi giảm từ 42,1% xuống 38,9%. Đài Loan đã phân bổ 63 triệu USD trong năm 2021 để ươm mầm các tài năng khoa học trẻ.
Xu hướng di động
Trước tình trạng dân số già, các quốc gia châu Á tích cực chiêu mộ nghiên cứu sinh người nước ngoài. Nhưng tài năng quốc tế không phải “thuốc chữa bách bệnh” trong giới khoa học đầy tính cạnh tranh và di động.
Các hội thảo khoa học quốc tế hay sự hợp tác của những bộ óc ưu việt tại nhiều quốc gia đã thúc đẩy xu hướng nghiên cứu KHCN linh hoạt, không cố định tại một quốc gia.
Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc mới đây cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2017, khoảng 71 chương trình nghiên cứu do Bộ tài trợ phải chấm dứt do nghiên cứu sinh quốc tế rời đi sớm hơn dự kiến.
Kết quả, khoảng 7,3 triệu USD, chiếm 24% trong tổng ngân sách dành cho đào tạo nghiên cứu KHCN bị thất thoát. Nhà lập pháp Lee Joo-Hwan kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc xây dựng kế hoạch dài hạn để giữ chân các tài năng trẻ, phục vụ lĩnh vực nghiên cứu KHCN.
Trước đại dịch Covid-19, tại các trường đại học danh tiếng nhất Đài Loan như Trường ĐH Quốc gia Đài Loan (NTU), ĐH Quốc gia Chengchi, ĐH Quốc gia Tsing Hua, khoảng 132 khoa không tuyển được nghiên cứu sinh.
Một số phải dừng các chương trình đào tạo tiến sĩ do không được quan tâm. Tình trạng này xảy ra tại nhiều nơi khác ở châu Á. Nếu không có kế hoạch đặc biệt để thu hút và phát triển nghiên cứu sinh STEM, các trường châu Á không thể đối chọi với nhau, chưa kể cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, NTU vẫn tin rằng có thể thu hút nhiều nghiên cứu sinh lĩnh vực KHCN. Gần đây, trường đã xây dựng một số chương trình đào tạo tiến sĩ mới, gồm AI, An ninh mạng, Internet vạn vật (Internet of Things).
Vì đặc điểm chung của nghiên cứu sinh những ngành này là cơ hội việc làm rộng mở, có tính cầu thị trong công việc. Họ sẽ được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp địa phương.
Trong thời gian gần đây, NTU tổ chức thêm các chương trình giúp sinh viên ưu tú khám phá điểm mạnh, yếu của bản thân và kế hoạch nghề nghiệp tương lai.
Chen Ming-Syan, Phó Chủ tịch NTU cho biết: “Từ bậc đại học, giảng viên đã “đón đầu” những sinh viên có tiềm năng làm nghiên cứu khoa học, kể cả trong nước lẫn quốc tế, và khuyến khích các em tham gia chương trình sau đại học.
Ngoài ra, để nghiên cứu sinh có thể tìm được việc làm thuận lợi sau khi tốt nghiệp, trường cũng khuyến khích các em hợp tác làm việc với các trung tâm nghiên cứu nước ngoài”.
Sau nhiều nỗ lực, số lượng nghiên cứu sinh ngành KHCN tại NTU đã tăng đáng kể từ 30% lên 40% trong những năm gần đây. Mô hình đào tạo nghiên cứu sinh tại NTU cũng được các cơ sở giáo dục đại học tại châu Á hướng đến trong thời gian tới.