Vào thời cổ đại, những người được chọn làm phi tần của hoàng đế sẽ được sống trong thâm cung lầu son gác tía, hàng ngày được ăn ngon, mặc đẹp có kẻ hầu người hạ. Nhìn vào địa vị và cuộc sống đó, đây chính là niềm mơ ước, khát khao của rất nhiều thiếu nữ. Thậm chí, nó còn trở thành mục tiêu phấn đấu của rất nhiều dòng tộc lớn, muốn có con gái được làm phi tần của hoàng đế để được hưởng niềm vinh hạnh đó.
Nhưng đó chỉ là sự hào nhoáng vẻ ngoài. Mấy ai biết được sự thật nghiệt ngã về đời sống của các phi tần chốn thâm cung. Khi được chọn làm phi tần, thì cũng là lúc các nàng sẽ bắt đầu tham gia vào một cuộc chiến “tranh sủng” vô cùng tàn khốc. Cho dù là được sủng ái hay phải tranh giành để được sủng ái thì cũng đều gam go, ác liệt và nguy hiểm không kém gì chiến trường, thậm chí cũng phải đổi cả tính mạng.
Trong cuộc chiến này, họ đều phải sử dụng đủ các thủ đoạn, các kỹ xảo để được hoàng thượng để mắt đoái thương. Những việc này cũng lấy đi của họ rất nhiều thời gian, trí lực và cả những giọt nước mắt cay đắng, thậm chí có cả đổ máu. Sống kiếp hậu phi, họ thật sự rất đáng thương.
Bao nhiêu người phải tranh nhau một người đàn ông. Họ thật sự không được yêu thương và hưởng hạnh phúc của tình yêu thật sự. Họ chỉ là công cụ “truyền giống”, hay "đồ chơi" cho thiên tử được nuôi trong thâm cung. Nhưng cay đắng, bẽ bàng thay ngay đến cái “nghĩa vũ” được làm đồ chơi hay công cụ giải khuây, họ cũng phải khó khăn lắm mới có được. Đây chính là sự phán ảnh chân thực tính vô nhân đạo, tàn nhẫn của chế độ phong kiến.
Ở hậu cung, có một nơi chuyên quản lý phi tần được gọi là phòng Kính sự. Phòng này trực thuộc và chịu sự quản lý trực tiếp của phủ Nội vụ. Nhiệm vụ quan trọng nhất chính là quản lý, ghi chép và theo dõi việc hoàng thượng lâm hạnh các phi tần trong hậu cung.
Công việc này sẽ do các thái giám chuyên trách ở phòng Kính sự trực tiếp đảm nhiệm. Mỗi lần, khi một hậu phi được lâm hạnh, thái giám tổng quản của phòng Kính sự đều ghi chép cụ thể tỉ mỉ ngày, tháng, năm, giờ giấc và tên phi tần để làm bằng chứng đối chứng trong trường hợp nếu hậu phi đó có được vinh hạnh mang long thai.
Quy trình thị tẩm cũng rất phức tạp. Hoàng thượng sẽ đến hành cung trước. Sau khi lên giường, chăn sẽ được đắp đến đầu gối, để lộ phần chân ra ngoài. Phi tần “hầu hạ” hoàng thượng cũng sẽ bắt đầu từ phần chân lộ ra. Phi tần nào được chọn, trước khi đến hành cung phải khỏa thân hoàn toàn. Thái giám phụ trách sẽ quấn nàng ấy vào tấm chăn, sau đó vác đến hành cung.
Sau khi thái giám vào phòng, phi tần phải mặt đối mặt với hoàng đế. Lúc đó thái giám sẽ lui ra, cùng với thái giám tổng quản cung kính đứng ngoài cửa đợi mọi chuyện xong xuôi. Khi lui ra, tất cả đều phải khom lưng, quay mặt lại phía hoàng thượng và “tức hành” (đi giật lùi về phía sau).
Các “thần thiếp” càng không dám quay lưng lại phía hoàng thượng. Vì thế, phi tần chỉ có cách duy nhất là bò lên giường, chui vào chăn. Sau khi "hầu hạ" xong, phi tần sẽ bò giật lùi xuống giường. Lúc đó, phi tần sẽ được thái giám lấy chăn bọc vào rồi đưa trả về nơi ở.
Đề phòng hoàng thượng trúng mã thượng phong , trong suốt thời gian hoàng thượng mây mưa thì thái giám tổng quản và thái giám phụ trách đưa đón phi tần vẫn chờ sẵn ở ngoài. Nếu thấy thời gian giao hoan quá lâu, thái giám tổng quản sẽ ở bên ngoài gọi vọng vào thông báo. Nếu hoàng thượng đang cao hứng giả vờ không nghe thấy, thì sẽ tiếp tục gọi lần nữa. Nếu gọi lần thứ ba, hoàng thượng bắt buộc phải dừng lại. Vì thế lần thứ ba mới được gọi là “Chỉ hô lễ”.
Ngay sau đó, thái giám tổng quản sẽ hỏi ý kiến hoàng thượng. Nếu hoàng thượng nói giữ lại (tức muốn để nàng phi tần đó có cơ hội mang long thai) thì tổng quản sẽ ghi chép chi tiết tên tuổi phi tần, và ngày giờ lâm hạnh. Nếu hoàng thượng không muốn giữ lại, thái giám tổng quản sẽ đi tìm phi tử, bấm vào huyệt vị ở vùng eo bụng cho “long tinh” chảy hết ra ngoài để tránh không mang thai. Nếu biện pháp này vẫn không tránh được việc mang thai thì khi phi tần có thai sẽ phải làm thủ thuật nạo hút. Chính vì thế nếu không được ghi chép vào sổ sách chuyện giường chiếu thì phi tần có cố giữ cũng chả có ích gì.
Đây cũng lại là một bằng chứng sống động cho tính phi nhân đạo của chế độ phong kiến cổ đại. Sau này, chính bản thân hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh cũng cảm thấy không hài lòng với quy định do tổ tiên đề ra này, nhưng cũng không dám tự ý thay đổi.
Để tránh quy định này, các hoàng thượng cho xây vườn Viên Minh. Đây chính là hành cung dành cho hoàng thượng thị tẩm các phi tần. Ở vườn Viên Minh không cần phải tuân thủ theo các quy định vốn đang tồn tại trong hậu cung. Vì thế, trong một năm phần lớn thời gian hoàng đế trẻ Hàm Phong đều ở trong vườn Viên Minh để tận hưởng niềm khoái lạc với các giai nhân, mỹ nữ.
Do hậu cung quá nhiều giai nhân nên nhiều khi triệu hạnh cũng là việc khiến hoàng thượng đau đầu. Chính vì thế có nhiều ông hoàng đã nghĩ ra rất nhiều chiêu quái đản để chọn phi tần lâm hạnh. Ví dụ như tung xúc sắc, dùng xe dê, bắn mũi tên... để chọn phi tần.
Hoàng đế nổi tiếng phong lưu Lý Long Cơ lại dùng chiêu“ điệp hạnh” để chọn phi tần lâm hạnh. Minh hoàng cho đám phi tần cài hoa tươi lên đầu, sau đó đích thân bắt bướm, và thả ra. Nếu con bướm đậu vào đầu ai, đêm người đó sẽ được lâm hạnh với hoàng thượng. Ngoài ra, ông ta còn lệnh ném tiền, các phi tần thi nhau tranh giành, ai nhặt được đồng tiền người đó sẽ có vinh hạnh đuợc hoàng thượng lâm hạnh đêm hôm đó.
Về phần các phi tần, đa phần đều đành an phận, phó mặc cho số phận. Nhưng trong lịch sử, cũng có rất nhiều cung tần mỹ nữ tìm cách chủ động để được hoàng thượng sủng hạnh. Một số cách tiêu biểu như: “thác mộng tự cử” (nhờ giấc mộng tự tiến cử), chị em cùng giúp nhau tiến cử, thế thân thay mình hầu hạ hoàng thượng, dùng lời kể nỗi ai oán để động lòng trắc ẩn của hoàng thượng... Nhưng dù là theo hình thức nào thì họ cũng vẫn chỉ như món đồ mua vui cho các thiên tử, chứ hiếm ai được hưởng niềm hạnh phúc thật sự và có được tấm chân tình từ các bậc đế vương.