Chỉ sống vài giờ trong một năm, loài côn trùng mong manh mang tên “vờ vờ” hay còn gọi là “tôm bay” từng in dấu trong ký ức của nhiều thế hệ cư dân ven sông Hồng. Khi mùa vờ về, dân chài lại lặng lẽ lên thuyền, đi săn “quán quân chết yểu” trong một mùa ngắn ngủi, để giữ lại dư vị thiên nhiên trong từng bữa cơm quê và trong nếp sống truyền đời.
Vờ là loài côn trùng có vòng đời đặc biệt ngắn: Từ lúc lột xác, bay lên khỏi mặt nước đến khi chết chỉ tính bằng giờ. Cả năm, chúng chỉ xuất hiện vào một số đêm nhất định trong tháng, kéo nhau nổi trắng một khúc sông, để rồi nhanh chóng hóa thành xác mỏng là “lư” lập lờ theo sóng. Chính sự ngắn ngủi ấy khiến vờ trở nên quý giá như một món quà thiên nhiên.
3 giờ sáng, khi thành phố còn say ngủ, những ngư phủ vùng sông Hồng đã chèo thuyền ra giữa dòng, bắt đầu chuyến săn “tôm bay”. Theo chân ngư phủ Trần Văn Nội, chúng tôi lênh đênh trên sông từ rạng sáng.







Hai tấm lưới lớn căng ngang mũi thuyền, chờ khoảnh khắc đàn vờ bay lên khỏi mặt nước để bắt gọn từng cánh trắng. Vờ nay hiếm dần, do biến đổi khí hậu và dòng chảy sông Hồng bị thu hẹp.
Từng là món ăn quê bình dị, nay vờ trở thành đặc sản. Một cân vờ sạch có thể được trả đến nửa triệu đồng. Nhưng với nhiều người, giá trị của vờ không nằm ở tiền - mà ở mùi vị của ký ức, khi bữa cơm bên sông còn đượm vị riềng mẻ, và tiếng trẻ con bì bõm hớt vờ vang lên giữa hè.