Cuộc chiến bị đảo lộn

GD&TĐ - Năm 2024 đã chứng kiến nhiệt độ trung bình trên Trái đất cao nhất trong lịch sử nhân loại, khiến hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong khi thế giới đang dần vận hành theo hướng xanh hóa để đối phó với biến đổi khí hậu, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức lại ký quyết định rút nước này khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.

Năm 2024 đã chứng kiến nhiệt độ trung bình trên Trái đất cao nhất trong lịch sử nhân loại, khiến hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia chiếm 13% lượng khí thải CO2 toàn cầu nên việc nước này rút khỏi Thỏa thuận Paris đang có nguy cơ gây ra các hệ lụy nghiêm trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới.

Với vai trò là một trong 3 quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới, việc Mỹ hủy bỏ tham gia thỏa thuận khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) mà nhiều nước đang đặt ra. Theo các chuyên gia, điều này đồng nghĩa với việc các nước khác sẽ đặt câu hỏi tại sao mình phải tiếp tục gánh vác trách nhiệm giảm phát thải nếu một trong những người chủ chốt lại từ chối.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Chính ông Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2017 đã rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này. Sau đó, Tổng thống Joe Biden đã đưa nước Mỹ trở lại thỏa thuận, nhưng ngay sau khi ông Biden rời Nhà Trắng, người kế nhiệm ông là Donald Trump lại lần thứ hai hủy thỏa thuận khí hậu quốc tế này.

Quyết định của tân Tổng thống Donald Trump cũng đã xóa bỏ toàn bộ nỗ lực vì khí hậu của chính quyền tiền nhiệm. Trước đó, do dự tính trước được những gì sắp diễn ra sau khi chuyển giao quyền lực, nên trong những ngày cuối cùng tại nhiệm, chính quyền của ông Joe Biden đã chạy đua để rót hết 74 tỷ USD theo kế hoạch cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu như phân bổ tiền cho năng lượng tái tạo, xe điện…

Nhưng mọi thứ đã quay ngược 180 độ kể từ sau ngày 20/1 vừa qua. Ông Donald Trump gọi vấn đề biến đổi khí hậu chỉ là “trò lừa đảo xanh” nên quyết định đẩy mạnh trở lại khai thác nhiên liệu hóa thạch thay vì phát triển năng lượng tái tạo, xóa bỏ quy định bắt buộc chuyển sang xe điện để tạo điều kiện cho nền công nghiệp sản xuất xe dùng động cơ đốt trong của Mỹ trở lại thời hoàng kim.

Ông Trump cũng giải thích cho quyết định rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris là do việc cắt giảm khí thải sẽ không hiệu quả cho khí hậu toàn cầu trừ khi tất cả các nước phải cùng thực hiện và việc rút lui khỏi thỏa thuận này cũng sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được hơn một nghìn tỷ USD.

Dù với bất cứ lý do gì thì việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu quốc tế cũng khiến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu rơi vào nguy hiểm. Sau khi ghi nhận mức nóng kỷ lục năm 2024, các nhà khoa học cảnh báo nếu tốc độ cắt giảm khí thải không đủ nhanh để làm dịu tình hình thì biến đổi khí hậu sẽ dần đến mức không thể đảo lộn, các thảm họa như lũ lụt, cháy rừng sẽ ngày càng gia tăng và gây thiệt hại lớn hơn.

Các nhà phân tích cũng lo ngại động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Mỹ cũng sẽ khiến các tổ chức tài chính quốc tế đối mặt với thách thức kép. Một mặt họ vừa phải đáp đứng nhu cầu tài chính ngày càng tăng từ các dự án năng lượng tái tạo để thích ứng biến đổi khí hậu, một mặt họ lại phải đối mặt với việc các nhà đầu tư giảm niềm tin vào thị trường tài chính xanh toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ