Theo đó, UBND thành phố Huế đã có công văn xin ý kiến Bộ VH,TT&DL với đề xuất thành lập Hội đồng quốc gia đánh giá mức độ thiệt hại và xây dựng phương án tu sửa bảo vật sau sự cố bị xâm hại.
Công văn đề xuất hai phương án, một là Hội đồng do Bộ VH,TT&DL thành lập, hai là Bộ ủy quyền cho UBND thành phố Huế thành lập Hội đồng.
Chủ tịch Hội đồng sẽ là Cục trưởng hoặc Cục phó Cục Di sản văn hóa, các thành viên hội đồng bao gồm đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia về di sản, văn hóa, chuyên gia về phục hồi cổ vật gỗ.

Sau đó, Hội đồng sẽ ra kết luận gửi báo cáo UBND thành phố Huế đề xuất phương án thực hiện tu sửa, trên cơ sở đó thành phố sẽ xin ý kiến thống nhất của Bộ VH,TT&DL trước khi trình Thủ tướng theo quy định.
Khi có phương án chính thức, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đơn vị quản lý bảo vật quốc gia Ngai vàng triều Nguyễn sẽ triển khai thực hiện và cơ quan chức năng sẽ giám sát và nghiệm thu đánh giá hiện vật sau tu sửa.

Ngoài ra, Hội đồng cũng sẽ có kiến nghị các giải pháp bảo vệ và bảo quản thường xuyên Ngai vàng triều Nguyễn, nằm trong tổng thể công trình điện Thái Hòa.
Ngai vua triều Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015 bao gồm ngai, đế ngai và bửu tán.
Thời điểm lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, Ngai vua triều Nguyễn có một số hư hỏng như các vị trí ghép mộng bị hở; các ô kính tráng thủy trang trí phía dưới bệ ngai bị hư hỏng; tay ngai bên phải bị gãy rời và đã được gia cố tạm, tay ngai bên trái bị nứt, lớp sơn thếp bị bong tróc; một số chi tiết trang trí ở lưng ngai không còn nguyên vẹn…