Ngày 21/5, UBND huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, đã nhiều lần rà soát, xác định đủ điều kiện theo quy định, nhưng chưa tuyển dụng đặc cách đối với nhóm giáo viên có hợp đồng từ 31/12/2015 trở về trước.
Chật vật mưu sinh để giữ nghề
Cuối tháng 5/2025, một mùa Hè nữa cận kề, hàng chục giáo viên ở huyện Krông Năng vẫn mòn mỏi chờ ngày được tuyển dụng đặc cách để yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục địa phương.
Thế nhưng, chính quyền tiếp tục “lỗi hẹn”, chưa thể thực hiện trước 1/7/2025. Do đó, đội ngũ giáo viên dạy hợp đồng gặp vô vàn khó khăn vì từ ngày 1/1/2025, các trường bắt đầu cắt phụ cấp đứng lớp. Số tiền lương hàng tháng chỉ nhận mức lương tối thiểu (2,34) với gần 5 triệu đồng.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Vân (giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) chua xót kể: “Gia đình có ba người chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ lương của tôi vì chồng không có nghề nghiệp ổn định. Từ đầu năm 2025 đến nay, chúng tôi không được hưởng phụ cấp, số tiền thực nhận chưa tới 5 triệu đồng. Để xoay xở sinh hoạt thường ngày phải chắt bóp chi tiêu, tranh thủ làm thêm ngoài giờ. Mỗi lúc con đau ốm thì vợ chồng đi vay mượn đồng nghiệp, người thân”.
Cũng theo lời cô Vân, với hơn 10 năm cống hiến, cô và các đồng nghiệp trong diện hợp đồng luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy chế chuyên môn. Hầu hết đều đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy và phong trào thi đua của đơn vị, địa phương. Cô Vân mong muốn “được tuyển dụng đặc cách theo quy định để ổn định cuộc sống, yên tâm cống hiến cho nhà trường và địa phương”.
Chung hoàn cảnh, thầy Hoàng Tuấn Anh (Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh) tâm sự: “Vợ tôi là nhân viên y tế trường học, lương hai vợ chồng cộng lại một tháng được gần 9 triệu đồng. Chúng tôi phải nuôi con nhỏ và hỗ trợ chăm sóc cha mẹ già. Tháng nào may mắn không phải lo tiền thuốc thang hay cưới hỏi thì tạm đủ cho ăn uống, sinh hoạt”.
Mặc dù không nói ra, nhưng trong ánh mắt của thầy giáo trẻ này lại ánh lên nỗi lo hiện hữu, bởi người vợ sắp sinh đứa con thứ hai. “Nhìn thầy Tuấn Anh rắn rỏi vậy thôi, chứ mấy hôm nay chạy vạy khắp nơi để nhờ hỗ trợ vì vợ sắp sinh em bé trong khi tiền dự phòng không có. Cha mẹ cũng đã già, thành thử cái khó chất chồng trên đôi vai của thầy ấy”, một đồng nghiệp nói với vẻ cảm thông.
Đó cũng là tình cảnh chung của hầu hết giáo viên trong diện hợp đồng chờ tuyển dụng đặc cách theo quy định tại huyện Krông Năng.

Đủ điều kiện nhưng vẫn phải chờ
Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, bà Phạm Thị Thanh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, dù rất muốn tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng theo quy định để thầy cô yên tâm công tác, nhưng chưa thể thực hiện do vướng thời gian.
Theo bà Thanh, sau khi có chỉ đạo từ UBND tỉnh Đắk Lắk, địa phương đã nhiều lần cho rà soát đối tượng thuộc diện đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị (tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng); Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 5/6/2019 của Văn phòng Chính phủ) và Bộ Nội vụ (Công văn 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019).
“Cuối năm 2024 địa phương đã tổng hợp danh sách giáo viên hợp đồng lâu năm thuộc diện đặc cách theo quy định. Tuy nhiên, cuối tháng 11/2024 tôi mới nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Nội vụ, cùng thời gian này Chủ tịch UBND huyện (ông Vũ Văn Mỹ - PV) cũng nghỉ hưu theo quy định. Hơn nữa, qua tìm hiểu, xin ý kiến các cấp, việc thực hiện quy trình cần nhiều thời gian. Đến đầu năm 2025 thì tập trung cho việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, do đó, địa phương vẫn chưa thể thực hiện tuyển dụng đặc cách cho các thầy cô được”, bà Thanh lý giải.
Trưởng phòng Nội vụ huyện Krông Năng (Đắk Lắk) khẳng định, Phòng Nội vụ tiếp tục phối hợp Phòng GD&ĐT tổng hợp đầy đủ hồ sơ theo quy định trình UBND huyện báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện sau thời điểm 1/7/2025 nhằm bảo đảm quyền lợi cho thầy, cô giáo.
Trước đó, năm 2024 Phòng Nội vụ huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã thực hiện rà soát, tổng hợp có 13 thầy, cô giáo nằm trong diện tuyển dụng đặc cách.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hồ sơ viên chức, UBND huyện này nhận thấy, các trường học để sót vì có nhiều người đã ký hợp đồng rất lâu năm, thậm chí có người đã được bổ nhiệm cán bộ quản lý. Do đó, UBND huyện Krông Năng yêu cầu rà soát lại và hoàn thành trước 30/8/2024.
Đáng nói, dù đã ban hành thông báo chốt thời gian thực hiện, nhưng từ sau 30/8/2024 đến nay, UBND huyện Krông Năng chưa có thêm động thái mới trong thực hiện tuyển dụng đặc cách khiến đội ngũ giáo viên vẫn mòn mỏi chờ mong.
Theo tổng hợp số liệu gần nhất của UBND huyện Krông Năng (ký 19/8/2024), toàn huyện có 14 cán bộ quản lý, giáo viên có hợp đồng lao động từ 31/12/2015 trở về trước. Trong đó 4 hợp đồng 79 và 10 hợp đồng không xác định thời hạn. Kể từ 1/1/2025, toàn bộ giáo viên giảng dạy hợp đồng bị cắt phụ cấp ưu đãi nhà giáo (tiền đứng lớp), chỉ được hưởng lương cơ bản với hệ số 2,34.