Cùng nhau thoát nghèo từ….loa phát thanh

GD&TĐ - Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, theo chương trình đưa các trí thức trẻ về làm cán bộ xã, Nguyễn Tấn Hùng đã nảy ra ý tưởng về quê hương góp phần công sức giúp bà con quê mình thoát nghèo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Đồng hồ báo thức” 5 giờ chiều!

Kiến thức giảng đường đã giúp Nguyễn Tấn Hùng có nhiều bài học về chăn nuôi, trồng trọt, nhân giống đúng kỹ thuật. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Hùng vẫn loay hoay chưa biết làm cách nào để cùng bà con làm kinh tế. Xem xét danh sách hộ nghèo ở địa bàn huyện còn nhiều, chàng trai trẻ này đã quyết tâm đóng góp công sức vào việc giảm nghèo ở địa phương. Đây cũng chính là mục tiêu đầu tiên Hùng mong muốn đạt được khi về làm cán bộ xã.

Tìm hiểu về tình hình thực tế ở địa phương, hầu hết bà con là người dân tộc, trình độ dân trí thấp, lại không biết chữ. Việc quanh năm là trồng lúa và lên rẫy trồng ngô, khoai, sắn. Việc trồng trọt này đều theo bản năng chứ không vận dụng kỹ thuật nào vào, hầu hết là thủ công và truyền đạt kinh nghiệm từ đời này qua đời khác.

Nghĩ đến việc làm thế nào để bà con nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi làm giàu chứ không phải tự phát như bây giờ nữa. Anh Hùng đã đến từng nhà dân để phổ biến kiến thức, hướng dẫn bà con cách làm mới. Thế nhưng, việc này không hề đơn giản. Để đến từng nhà tuyên truyền mất rất nhiều thời gian, chưa kể đến nhiều gia đình không muốn nghe bởi có nghe cũng không hiểu.

Nan giải suốt nhiều ngày tháng, anh Hùng tìm cách để bà con có thể tiếp cận được với thông tin nhiều hơn. Từ trước đến nay, cuộc sống của người dân gói gọn trong vườn ruộng, không hề được đọc sách báo, nghe đài hay tìm hiểu cách làm của các nơi khác.

Nảy sinh trong đầu ý tưởng giúp dân nghe thông tin đến làm theo thông tin, anh Hùng phối hợp với chính quyền cơ sở, lắp loa truyền thanh đến những nơi bà con làm ăn, sinh hoạt.

Ban đầu, loa truyền thanh chỉ phát các bài hát từ đĩa thu âm, giúp bà con quen với việc có một sản phẩm truyền thông, phục vụ giải trí. Sau dần, khi đã quen với việc cứ 5 giờ chiều là loa truyền thanh sẽ phát, bà con chăm chú hơn, nó cũng giống như chiếc đồng hồ báo thức báo hiệu đã 5 giờ chiều.

Sau, anh Hùng thường dành 15 phút đọc báo trên loa để nhân dân cập nhật tình hình đời sống của các địa phương. Sau đó, anh dành thời gian để truyền tải kiến thức kinh nghiệm từ giảng đường của mình vào chăn nuôi.

Mỗi ngày mở một chuyên đề, ví dụ hôm nay sẽ bàn về cách trồng rau màu không bị sâu bệnh, rau ngon hơn, thời gian thu hoạch ngắn mang lại hiệu quả cao, ngày hôm sau sẽ bàn cụ thể về cách trồng như thế nào, thu hoạch ra sao, rồi những ngày sau đó sẽ là cách đem bán ngoài chợ, cách tính toán để thu lãi,…

Anh Hùng chia sẻ: “Việc phát loa tuyên truyền sẽ giúp bà con có thể nghe bất kể làm việc gì, rất tiện lợi. Đồng thời, bà con sẽ quen với việc cứ chờ đến giờ đó để nghe phát loa.”

Tìm khách mời đến chia sẻ kinh nghiệm

Anh Hùng cho biết thêm, thời gian đầu, hầu như không có nhiều người quan tâm tới những thông tin được chia sẻ. Nhưng với suy nghĩ mưa dầm thấm lâu, chắc chắc sẽ phần nào có ích. Hơn 2 tháng phát loa, sau đó, anh Hùng cho nghỉ phát 1 tuần, bà con bắt đầu xôn xao hỏi: sao dạo này không thấy phát loa truyền thanh nữa?

Biết đây là thời cơ thích hợp, anh Hùng đã cất công mời những người có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi về dành thời gian chia sẻ phương pháp trên loa truyền thanh. Bà con bắt đầu lắng nghe xem hôm nay, ai sẽ là khách mời đến nói trên loa. Thậm chí, mọi người còn truyền tai nhau về việc hôm nay người ta nói cái gì, dạy như thế nào,…

Sau dần, đó không phải là việc truyền miệng nữa, bà con dần dần tự học theo. Nó giống như cuốn cẩm nang hữu ích, khi cần có thể thực hành. Ví như có bà con chăn nuôi lợn, việc đỡ đẻ cho lợn mẹ cần chú ý những gì đã được bà con nghe hàng ngày. Đến khi thực hành, xảy ra sự cố, nếu bình thường sẽ thuận theo tự nhiên, thế nhưng, từ những gì được nghe, được nói “ra rả” hàng ngày, bà con đã xử lý tính huống một cách nhanh chóng, điều này đã tránh được những tổn thất lớn về kinh tế.

Thời gian dài, anh Hùng thường xuyên đi đến từng nhà để “nghiệm thu” kết quả, thấy nhiều người đã nói “vanh vách” những gì được nghe trên loa truyền thanh và áp dụng vào chăn nuôi, anh hiểu rằng đây chính là thành công lớn.

Không dừng lại ở đó, anh Hùng lắp thêm nhiều loa ở nhiều điểm hơn để lan rộng thông tin. Đồng thời, anh cũng mời rất nhiều tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi ở các vùng lân cận về phổ biến phương pháp. Hiểu được rằng nếu chỉ tuyên truyền thì mức độ tự giác vươn lên của bà con sẽ “chậm”, anh Hùng đã tổ chức 1 tháng 2 lần bà con nhân dân tập hợp lại tại ủy ban để lắng nghe tâm tư, tháo gỡ vướng mắc cho từng người. Hầu hết nhân dân đều gặp phải vấn đề về kỹ thuật, cũng như đầu ra của sản phẩm. Anh Hùng đã nhanh chóng tìm đến các cơ sở chính quyền để thành lập hợp tác xã nhỏ trồng rau màu, chăn nuôi gia súc cung cấp thực phẩm cho các công ty, cơ quan ngoài thị xã.

Nhờ đó, bà con nhân dân thêm tin tưởng và cùng nhau học hỏi, bắt tay vào làm. Mục tiêu giúp nhân dân địa phương thoát nghèo của anh Hùng đã phần nào thực hiện được khi nhiều hộ gia đình đã có công việc thường xuyên, ổn định có thu nhập trang trải việc học hành của con cái cũng như phục vụ đời sống hàng ngày. Tuy số lượng hộ gia đình thoát nghèo hiện tại chưa nhiều nhưng tín hiệu đáng mừng nhất là các hộ nghèo khác cùng mong muốn được học tập và làm theo các mô hình. Thời gian tới, hẳn sẽ là một địa phương khởi sắc trong việc thoát nghèo từ học tập làm giàu qua loa truyền thanh,…

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.