Thay đổi từ những con số
Sự hợp tác giữa ASU, USAID và một số trường đại học Việt Nam bắt đầu với Chương trình Liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật (HEEAP) được khởi động từ năm 2010. Theo ông Jeffrey Goss - Phó Hiệu trưởng phụ trách các chương trình và dự án Việt Nam và Đông Nam Á - ASU, HEEAP là sự hợp tác giữa Trường Kỹ thuật Fulton thuộc ASU và một liên minh gồm nhiều doanh nghiệp nhằm chuyển đổi, hiện đại hóa các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam.
Hơn 10 năm hợp tác với hàng nghìn sinh viên, giảng viên tham gia, BUILD-IT và các đối tác đã tạo nên một sự thay đổi tích cực. Cùng nhau hợp tác, những người thực hiện đang đưa các chương trình này vào các trường đại học đối tác của mình để các giảng viên, sinh viên tương lai gặt hái được những lợi ích. Thay đổi lớn không nhanh chóng và cũng không dễ dàng. Nó không được thực hiện một mình và chắc chắn nó không chỉ được thực hiện một lần. Đó là đỉnh cao của những người tận tâm, cùng chí hướng, những người thấy rằng điều gì đó vĩ đại hơn luôn ở phía trước… và chúng tôi cùng nhau nỗ lực để đạt được điều đó. - Ông Jeffrey Goss (Phó Hiệu trưởng phụ trách các chương trình và dự án Việt Nam và Đông Nam Á – ASU)
HEEAP đã đào tạo gần 250 giảng viên từ 8 trường đại học đối tác đang giảng dạy cho các sinh viên sẵn sàng làm việc có kỹ năng giao tiếp ứng dụng và kỹ thuật theo yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, có 65 giảng viên được đào tạo là phụ nữ, điều này thể hiện quan điểm của USAID về tầm quan trọng của phụ nữ trong STEM. Hiện, HEEAP chuyển sang giai đoạn thứ hai, với khoản đầu tư 20 triệu USD từ USAID, Intel, National Instruments, Pearson và những đối tác khác để mở rộng chương trình phát triển giảng viên, xây dựng năng lực kiểm định quốc tế, giải pháp công nghệ tại 8 trường đối tác.
Bên cạnh đó, Chương trình Viện lãnh đạo và đổi mới đại học và cao đẳng nghề (VULII) là một phần mở rộng của HEEAP, được thiết kế để góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đồng thời tăng cường năng lực về con người và thể chế để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. VULII đã hỗ trợ, đào tạo cho hơn 2.300 người tham gia từ năm 2012 đến năm 2015.
Dự án cung cấp các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực sử dụng các mô hình lãnh đạo quốc tế, đảm bảo chất lượng cần thiết để chuẩn bị thế hệ tiếp theo của lực lượng lao động kỹ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Tư duy và phương pháp lãnh đạo; lập kế hoạch chiến lược cho cấp hiệu trưởng, trưởng khoa; bảo đảm chất lượng; phát triển cơ sở hạ tầng giảng dạy và chương trình giảng dạy.
Từ góc nhìn việc tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa không bao giờ kết thúc, năm 2015, USAID và ASU tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi giáo dục đại học Việt Nam bằng dự án Thúc đẩy hợp tác trường đại học và doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ (BUILD-IT). Trong hơn 7 năm qua, BUILD-IT đã xây dựng, hình thành nên các kỹ năng lãnh đạo chiến lược nhằm thúc đẩy quyền tự chủ của trường đại học, cải thiện chất lượng chương trình giảng dạy cũng như duy trì các mối quan hệ đối tác lâu dài.
Điều này được thực hiện thông qua việc phát triển năng lực lãnh đạo điều hành cho lãnh đạo các trường đại học và các nhà hoạch định chính sách trong việc thực hiện những mục tiêu hoạch định chiến lược nhằm đạt được quyền tự chủ của trường đại học. Cùng với đó, việc thông qua hợp tác giữa lãnh đạo học thuật của trường đại học và các chuyên gia đảm bảo chất lượng để thực hiện các hệ thống đánh giá mạnh mẽ nhằm cải tiến chương trình liên tục, hỗ trợ cho công tác kiểm định quốc tế, cũng như được công nhận trên trường quốc tế.
Ông Jeffrey Goss (Phó Hiệu trưởng phụ trách các chương trình và dự án Việt Nam và Đông Nam Á – ASU) |
Dự án BUILD-IT đã được cấp thêm vốn tổng cộng 3 triệu USD để gia hạn cho ASU đến năm 2023. Giai đoạn này, BUILD-IT tập trung vào việc thúc đẩy các hoạt động chiến lược hiệu quả của các trường đại học hướng tới tự chủ, mở rộng phạm vi của các chương trình học thuật được công nhận quốc tế thông qua kiểm định, đánh giá quốc tế (ABET và AUN-QA), mở rộng các chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học cho các chương trình giảng dạy STEM mang tính ứng dụng thực tiễn.
“Không giới hạn ở một trường đại học hay ở một thành phố, nỗ lực để chuyển đổi cảnh quan giáo dục ở đây mang tính hệ thống, sâu rộng. Do đó, BUILD-IT đã hợp tác với nhiều trường đại học ở nhiều khu vực để đảm bảo tác động của sự chuyển đổi này được đưa đến nhiều người nhất có thể. Tại khu vực phía Bắc, BUILD-IT đã hợp tác với Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Phenikaa; Khu vực miền Trung, Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, hợp tác với BUIILD-IT để chuyển đổi trải nghiệm giáo dục của sinh viên.
Ở phía Nam, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Cần Thơ, đều tích cực tham gia với đội ngũ nhân viên và giảng viên BUILD-IT nhằm cung cấp cho sinh viên những cơ hội tốt nhất để tốt nghiệp và đóng góp cho tương lai của đất nước…” - ông Jeffrey Goss chia sẻ.
Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ nhận giải Nhất tại cuộc thi “Từ sáng tạo đến khởi nghiệp” (MEP) thuộc Dự án BUILD-IT. |
Những tác động tích cực
Nói về những tác động của các dự án HEEAP, VULII, BUILD-IT do USAID hỗ trợ, bà Kathy Wigal, Giám đốc Vận hành toàn cầu – Văn phòng Giáo dục Quốc tế - ASU, cho biết, tổng số tiền cam kết đầu tư đi xuyên suốt dự án đã đạt gần 9 triệu USD, bao gồm các cam kết đối tác của Autodesk, Wiley, Microsoft, Pearson, Rockwell, e-Silicon và Dow.
Tính đến thời điểm hiện tại, các hoạt động của BUILD-IT đã tiếp cận hơn 10.000 giảng viên, cán bộ giảng dạy của 11 cơ sở giáo dục đại học là đối tác chính, với tổng số hơn 39.000 người tham gia vào các hoạt động của BUILD-IT. Bên cạnh đó, các trường đại học đối tác của BUILD-IT đã đạt được 37 chứng nhận chương trình (ABET hoặc AUN-QA) thông qua hỗ trợ của BUILD-IT kể từ năm 2015, nâng tổng số lên 96 chương trình được công nhận cho đến nay thông qua quan hệ đối tác ASU - Việt Nam.
Sáu đối tác chiến lược của trường đại học đã triển khai các chương trình EPICS nhờ sự hỗ trợ của BUILD-IT với hơn 3.400 sinh viên tham gia vào các chương trình thí điểm giảng dạy ứng dụng kể từ năm 2018. Ba không gian sáng chế (MIS) đã được phát triển ở miền Nam và miền Trung Việt Nam nhằm hỗ trợ học tập ứng dụng, các dự án hợp tác với ngành công nghiệp và đổi mới và đã được sử dụng hơn 13.000 lần cho đến nay.
Chia sẻ về sự hữu ích mà dự án HEEAP, VUILII, BUILD-IT mang lại, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cho rằng, dự án đã giúp LHU nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo và giảng viên cũng như cải tiến chương trình đào tạo. Do vậy, năm 2019, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin và ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử của trường đã thành công trong đợt đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á. Năm 2021, trường có 4 chương trình đào tạo thuộc các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Dược và Ngôn ngữ Anh cũng được công nhận đạt chuẩn AUN-QA.
“Đặc biệt, dự án đã tổ chức nhiều đợt tập huấn đánh giá chuẩn đầu ra, công cụ đo lường chất lượng, phương pháp giảng dạy kỹ thuật số cho giảng viên... để chương trình đào tạo của ngành Công nghệ thông tin và ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử được kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn ABET vào năm 2023…
Diễn đàn phương pháp giảng dạy dựa trên các vấn đề thực tiễn tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, thuộc Dự án USAID BUILD-IT do Đại học bang Arizona thực hiện, tháng 4/2022. |
BUILD-IT hỗ trợ phát triển các hoạt động gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, gắn các hoạt động dạy - học theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp. Trường ĐH Lạc Hồng là trường đại học tư thục duy nhất tại Việt Nam được tham gia dự án quan trọng này…” - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.
Đã có hàng nghìn sinh viên, giảng viên tận mắt chứng kiến giá trị mà sự hợp tác giữa các trường đại học và BUILD-IT mang lại. Hai người trong số những người được hưởng lợi từ các chương trình cung cấp là ThS Văn Đinh Vỹ Phương, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Lạc Hồng và sinh viên Đinh Tuấn Anh. Với sự hướng dẫn của cô Phương, dự án Automov (về thiết kế và tạo mẫu một chiếc xe lăn chạy bằng năng lượng mặt trời) của nhóm Tuấn Anh đã giành giải Nhất tại EPICS.
Liên minh USAID - BUILD-IT - ASU đã hỗ trợ chương trình EPICS tại sáu trường đại học kỹ thuật của Việt Nam như một cách để trao quyền cho các nhà đổi mới sáng tạo trẻ tuổi để giúp đỡ cộng đồng của họ. Tuấn Anh nói: “BUILD-IT EPICS là phần khởi đầu của dự án AutoMov. Các thành viên trong nhóm có thể nhận được sự hỗ trợ từ một khóa đào tạo kỹ lưỡng để có được kiến thức trong quá trình hình thành ý tưởng và thực hiện dự án. Dự án này đang đi đúng hướng trong việc giải quyết các vấn đề phù hợp để giúp người dùng sử dụng tốt nhất và tạo ra những bước tiến trên con đường trở thành một doanh nghiệp”.
Trao đổi tại một tọa đàm, PGS.TS Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) - cho rằng, nhà trường may mắn được làm đối tác chiến lược của ASU trong 10 năm qua trong nhiều dự án HEEAP, VULII và bây giờ là BUILD-IT. Ở các dự án này nói chung và BUILD-IT nói riêng, giảng viên IUH được tham gia nhiều tập huấn để thay đổi phương pháp giảng dạy, từ chỉ đơn thuần là nghe giảng sang giảng dạy tích cực, chủ động và giảng dạy theo phương pháp học tập dựa trên việc giải quyết vấn đề thực tiễn, gọi tắt là PBL.
Nhờ đó, IUH đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình phát triển và hoàn thiện hệ thống giáo dục hiện đại. Những dự án nổi bật trong mối quan hệ giữa IUH và BUILD-IT phải kể đến như xây dựng hệ thống đánh giá KPI, kiểm định ABET-AUN QA, nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên với mô hình CFT/ MTT, ứng dụng giảng dạy 4.0.
“Những kết quả từ sự hợp tác này không những đem lại tiếng vang cho IUH cũng như đem lại giá trị thực tiễn cho sinh viên nhà trường. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và được đánh giá rất tốt trong quá trình làm việc nhờ được ứng dụng thực tế vào quá trình học tập…” - PGS.TS Đàm Sao Mai chia sẻ.
Sở GD&ĐT TPHCM đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Đại học bang Arizona để thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực bậc đại học, cao đẳng và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành trọng điểm vào ngày 18/10/2021. Một trong những hoạt động của BUILD-IT do USAID tài trợ là nhằm giúp các trường thành viên của dự án tiếp cận và triển khai các đợt tập huấn đào tạo giảng viên nguồn nhằm tạo nên một đội ngũ giảng viên có thể truyền đạt lại cho các giảng viên khác áp dụng các phương pháp dạy học mới, tiên tiến trong lớp học của họ… - Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM)