Bà Trần Thị Thắm - Phó vụ trưởng Vụ Tiểu học |
PV: Thưa bà, thực tế cho thấy trong quá trình triển khai việc dạy TV cho HS DTTS ở cấp tiểu học (TV với tư cách là ngôn ngữ thứ hai) còn nhiều bất cập, hiệu quả dạy học chưa cao. Vậy bà đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Bà Trần Thị Thắm: Trong quá trình triển khai và thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo, định hướng rất linh hoạt và cụ thể đối với việc dạy và học ở từng vùng miền. Mặc dù có sự hỗ trợ của một số chương trình, dự án về chuẩn bị và tăng cường TV cho HSDT, nhưng kết quả dạy học TV lớp 1 cho HSDT của một số địa phương vẫn còn thấp. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về việc tăng cường công tác dạy học cho HSDT, Vụ Giáo dục Tiểu học đã triển khai thành lập Ban chỉ đạo Hướng dẫn dạy học lớp 1 cho HSDT thiểu số chưa biết nói TV. Trên cơ sở khảo sát thực tế và kết quả thảo luận tại Hội nghị triển khai các phương án tăng cường TV cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ đã có công văn 7679/BGDDT-GDTH về việc hướng dẫn dạy học lớp 1 cho HSDT chưa biết nói TV với 5 nội dung cơ bản. Sau một năm thực hiện sự chỉ đạo này, kết quả dạy học TV lớp 1 cho HSDT đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
PV: Xin bà cho biết các phương án mà Bộ GD-ĐT hướng dẫn để các địa phương tự lựa chọn thực hiện nhằm tăng hiệu quả dạy học TV cho HSDT?
Bà Trần Thị Thắm: 5 phương án mà Bộ GD-ĐT hướng dẫn chỉ đạo trong quá trình dạy học TV cho HSDT rất cụ thể. Thứ nhất, các địa phương cần tích cực huy động tối đa trẻ 4,5 tuổi vào học lớp mẫu giáo và thực hiện tốt chương trình làm quen với TV. Thứ hai, các tỉnh thuộc dự án PEDC cần triển khai có hiệu quả tài liệu Chuẩn bị TV cho trẻ em trước tuổi đến trường. Thứ ba, các địa phương phải thực hiện tốt việc dạy học TV lớp 1 cho HSDT theo hướng điều chỉnh kế hoạch dạy học môn TV 350 tiết thành 500 tiết. Thứ tư, dạy thử nghiệm tài liệu dạy học TV lớp 1 cho HSDT của Trung tâm công nghệ giáo dục (TTCNGD) cho 7 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ năm, tham gia nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ (THGDSN) dựa trên TMĐ tại ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai, Trà Vinh nhằm tạo cơ sở cho HS học tốt TV.
Dạy TV cho trẻ em DTTS cần phải được quan tâm |
PV: Thưa bà, theo sự chỉ đạo và định hướng của Bộ GD-ĐT, công tác triển khai việc dạy và học TV cho HSDT trong năm học 2008-2009 đã thu được những kết quả đáng mừng. Quá trình thực hiện và những kết quả đã đạt được như thế nào?
Bà Trần Thị Thắm: Các phương án dạy học TV lớp 1 cho HSDT được triển khai trên 32 tỉnh và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Trước hết, về việc huy động trẻ em 4,5 tuổi vào học lớp mẫu giáo và làm quen với chương trình lớp 1, nhìn chung các tỉnh đều tích cực huy động tối đa và thực hiện tốt chương trình làm quen với TV. Cụ thể Thái Nguyên đạt 99,61%; Lào Cai đạt 99,4%; Nghệ An đạt 99,1%; Long An đạt 98,66%; Lai Châu đạt 97%... Tuy nhiên ở một số tỉnh, do địa bàn đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc nghèo lại sống du canh du cư nên nhiều trẻ em DTTS vẫn không được đến trường như ở Khánh Hòa, Trà Vinh, Đăk Nông, Gia Lai...
Bên cạnh đó, việc triển khai các tài liệu Chuẩn bị TV cho trẻ trước tuổi đến trường của dự án PEDC đều thực hiện có hiệu quả. Một số địa phương còn tích cực mở các lớp cho các huyện không thuộc phạm vi hỗ trợ của dự án (như Khánh Hòa). Nhìn chung, HS tham gia các lớp này đều được đánh giá là mạnh dạn, tự tin, thích đến lớp, thích giao tiếp, thích học, do đó hạn chế tình trạng HS bỏ học.
Trong số các phương án dạy học TV lớp 1 cho HSDT, chương trình nghiên cứu THGDSN dựa trên tiếng mẹ đẻ hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và UNICEF giai đoạn 2006-2010 được thực hiện tại 3 tỉnh Lào Cai (tiếng Mông), Gia Lai (tiếng Jrai), Trà Vinh (tiếng Khơmer). Chương trình được thiết kế liên thông từ mẫu giáo 5 tuổi lên đến tiểu học tạo cơ sở giúp các em DTTS nói tốt TV, là tiền đề để các em tiếp thu kiến thức trong nhà trường, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và phát huy bản sắc DT.
Trong khi đó, phương án dạy thử nghiệm môn TV cho HSDT theo tài liệu của TTCNGD được triển khai thí điểm tại 6 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Kon Tum, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang. Sau khi thực hiện thí điểm, nhìn chung số lượng HSDT yếu ở đây đã giảm đáng kể như ở Lào Cai (0,63%/2,40% tỷ lệ HS yếu chung của tỉnh), ở Sơn La (4,47%/11,50% )... Bên cạnh những thiếu sót trong SGK, sách thiết kế, một số tiết tập đọc còn dài chưa phù hợp với nhận thức của HSDT, thì quá trình triển khai đã thu được những hiệu quả: Đa số HS đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình TV 1; Việc dạy và học diễn ra nhẹ nhàng, cán bộ quản lý và GV trực tiếp đứng lớp đều nhận thấy sự thích hợp của tài liệu.
Năm học 2007 – 2008, Hà Giang có 22,48% HSDT yếu TV, ở Đăk Nông là 16,94%, Gia Lai 16,77%, Điện Biên 11,03%. Sau một năm thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, kết quả dạy học TV đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Năm học 2008- 2009, tỷ lệ HS yếu TV ở Hà Giang giảm còn 18%, Đăk Nông còn 16,1%, Gia Lai còn 16,4 %, Điện Biên còn 8,4%... |
Về việc triển khai dạy học TV lớp 1 cho HSDT theo hướng điều chỉnh kế hoạch dạy và học TV từ 350 tiết đến 500 tiết/ năm, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các sở chủ động thực hiện cho phù hợp với điều kiện và thực tế của địa phương. Các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Lào Cai, Thừa Thiên Huế đều tổ chức dạy hai buổi/ ngày ở những trường có đủ điều kiện. Những nơi không đủ điều kiện tổ chức hai buổi/ ngày thì tổ chức dạy thêm một số buổi trong tuần. Riêng Lào Cai đã thực hiện chỉ đạo nội dung giãn thời lượng dạy học với hướng dẫn tăng thời lượng của phần Học vần rất cụ thể cho từng loại bài. Lạng Sơn lại tổ chức cho HS làm quen với môi trường lớp học trong 4 tuần đầu, tăng thời lượng cho các tiết ôn tập, tập viết, tiết học nhiều âm, vần khó.
PV: Năm học 2008 - 2009 đã khép lại nhưng nhiệm vụ dạy học TV cho HSDT vẫn còn bộn bề phía trước. Vậy trong năm học 2009- 2010, Bộ GD-ĐT sẽ có những chỉ đạo tiếp theo như thế nào trong công tác này?
Bà Trần Thị Thắm: Năm học 2009-2010, đối với công tác dạy học TV cho HSDT, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo định hướng sau:
Định hướng thứ nhất, căn cứ vào thực tiễn, các sở GD&ĐT cần tiếp tục lựa chọn theo 5 phương án trên song cần chú ý chỉ đạo sâu một số nội dung như: Huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp, tăng tỷ lệ trẻ 4 tuổi ra lớp mẫu giáo. Các trường mầm non tích cực chuẩn bị TV cho trẻ trước khi vào lớp 1 theo tinh thần liên thông giữa hai cấp. Các tỉnh thuộc dự án PEDC chuẩn bị tài liệu TV cho trẻ trước tuổi đến trường và tài liệu tăng cường TV 1, 2, 3. Dạy thử nghiệm vòng hai tài liệu TV 1 của TTCNGD cho 7 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Kon Tum, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Quảng Bình. Tham gia nghiên cứu thực hành GDSN dựa trên tiếng mẹ đẻ vòng 2 cho lớp mẫu giáo và vòng 1 cho lớp 1 tại 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai, Trà Vinh. Tăng thời lượng dạy và học TV lớp 1, chỉ đạo dạy học thí điểm rút kinh nghiệm để triển khai ở năm học sau.
Định hướng thứ hai là đưa việc dạy TV theo hướng tích hợp vào tất cả các môn học khác ở tiểu học.
Định hướng thứ ba, xây dựng môi trường giao tiếp TV cho HSDT ở gia đình và nhà trường. Khuyến khích sự sáng tạo của địa phương trong việc biên soạn tài liệu, có các biện pháp tăng cường TV phù hợp thực tiễn.
PV: Xin cảm ơn bà!
Hồng Vân (thực hiện)