Củng cố kiến thức trong hè nhưng không thành 'học kỳ 3'

GD&TĐ - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kết quả học tập của nhiều học sinh chưa đạt như mong muốn. Các nhà trường đã tận dụng thời gian hè, củng cố kiến thức với nhiều cách thức linh hoạt, hiệu quả để học trò bước vào năm học mới.

Học sinh Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: NTCC

Giúp trò vững vàng vào năm học mới

Việc củng cố kiến thức cho học sinh có kết quả “non” hơn yêu cầu được Ban giám hiệu, giáo viên Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang) xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hè.

Cô Phạm Hạnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Bước vào nghỉ hè, trường đã yêu cầu giáo viên trao đổi, phối hợp chặt với phụ huynh những nội dung cần bổ trợ học sinh. Giáo viên ra bài tập và hướng dẫn phụ huynh cùng con làm bài tại nhà. Hàng tuần, phụ huynh gửi qua Zalo bài làm của con để giáo viên chữa, nhận xét chi tiết. Trường hợp gia đình không có Zalo, ở vùng không có sóng điện thoại… trường sẽ cử giáo viên đến tận nhà giao bài, hướng dẫn ôn tập.

“Giáo viên phần lớn nhà gần trường nên nghỉ hè vẫn có thể củng cố kiến thức tận nhà cho học sinh trong trường hợp đặc biệt. Mặt khác, các thầy cô hiểu với học sinh tiếp thu chưa tốt, hay quên, nếu không bù lấp, củng cố… khi vào năm học mới sẽ bị hổng kiến thức. Như vậy, việc dạy bù, dạy đuổi kiến thức trong năm học sẽ rất vất vả…”, cô Hạnh trao đổi.

Cũng theo cô Hạnh, không chỉ hỗ trợ củng cố kiến thức cho học sinh trong hè mà từ 1/8 giáo viên trả phép trở lại trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng trực tiếp cho các em thêm 2 tuần rồi mới kiểm tra kiến thức, hoàn thành điều kiện lên lớp.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình), cô Đỗ Thị Mỹ bày tỏ: Nếu chỉ dành 2 tuần trước khai giảng để bồi đắp kiến thức cho học sinh yếu, các em sẽ không kịp tiếp thu. Bản thân các em cũng khó thay đổi nhận thức, bù lấp kết quả học tập nhanh chóng để bảo đảm điều kiện lên lớp tốt nhất.

Thực tế, với học sinh tiếp thu chậm cần thời gian dài hơi (có khi cả tháng) để củng cố kiến thức. Vì vậy, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ ôn tập miễn phí cho học sinh có nhu cầu và tự nguyện ngay từ tháng 7 và đầu tháng 8 với thời lượng 2 buổi/tuần. Học sinh sẽ được lên lớp khi có kết quả học tập cuối năm tiến bộ hơn sau kiểm tra đánh giá lại.

Với phương châm quản lý chặt chất lượng đầu ra, Trường Tiểu học Yên Mĩ (Lạng Giang, Bắc Giang) đã phối hợp với gia đình giao bài, hướng dẫn học sinh sức học yếu, chưa đạt yêu cầu… tự ôn tập tại nhà. Đầu tháng 8, trường sẽ bồi dưỡng trực tiếp cho số học sinh này thêm vòng 2 tại trường và thực hiện kiểm tra đánh giá.

Cô Ngô Thị Thoan - Hiệu trưởng - cho biết: Kết thúc năm học, toàn trường có 0,5% học sinh chưa đạt yêu cầu chương trình. Song không vì tỉ lệ nhỏ mà nới lỏng, coi nhẹ việc củng cố kiến thức dịp hè. Học sinh vẫn sẽ bị ở lại lớp nếu sau bồi dưỡng không bảo đảm yêu cầu.

Bồi dưỡng củng cố kiến thức cho học sinh trong hè tại Trường Tiểu học Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), theo cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng, được nhà trường triển khai ngay sau tổng kết năm học (tháng 5) và kéo dài hết tháng 7 với phương thức giáo viên chủ nhiệm kết hợp với gia đình cùng hỗ trợ ôn tập. Việc giao và chấm chữa bài được triển khai qua Zalo hàng tuần. Đầu tháng 8, trường kiểm tra đánh giá lại để hoàn thiện điều kiện lên lớp cho học sinh.

Góc đọc sách của Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang). Ảnh: NTCC

Góc đọc sách của Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang). Ảnh: NTCC

Phụ huynh đồng thuận

Việc củng cố kiến thức cho học sinh trong hè không chỉ giúp các em bảo đảm điều kiện, vững vàng tâm thế lên lớp, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung trong các nhà trường. Do đó, Ban giám hiệu đã tích cực triển khai với nhiều giải pháp phù hợp. Từ đây “đánh thức” sự quan tâm, đồng thuận của phụ huynh trong hoạt động giáo dục.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh có con học lớp 4 Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao đổi: Giữa tháng 7 nhà trường triển khai hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho học sinh 3 buổi/tuần hoặc 2 buổi/ngày với khoản đóng góp không đáng kể. Học sinh có thể tham gia trên tinh thần tự nguyên, hoàn toàn không ép buộc.

“Tuy trẻ vừa bước sang tháng thứ 2 kỳ nghỉ hè, cuối tháng 8 mới tựu trường nhưng do các con vừa trải qua năm học với phần lớn thời gian học trực tuyến, chất lượng cần được củng cố… nên hầu hết phụ huynh thấy cần thiết và đã đăng ký cho trẻ trở lại trường ôn tập.

Việc ôn tập kiến thức cũ trong hè rất cần thiết, hợp lý mà không áp lực, quá tải. Không những thế các em còn được giao tiếp, vui chơi cùng bạn bè, thầy cô. Các em không bị lệ thuộc vào máy tính, tivi, điện thoại để cân bằng lại tâm lý, được học kĩ năng sống…”, chị Quỳnh bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Thơm có 2 con học lớp 6 và 9 Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, nghỉ hoàn toàn 3 tháng hè trong bối cảnh kết quả học tập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trẻ thu mình trong sinh hoạt, thay đổi thói quen giao tiếp… sẽ lãng phí về mặt thời gian của học sinh. Mặt khác, gia đình cũng khó quản lý hoạt động của trẻ khi các em nghỉ hè ở nhà, chủ yếu “làm bạn” với máy tính, điện thoại sẽ không tốt cho tâm lý, sức khỏe thể chất…

Tuy nhiên, trở lại trường lớp sớm hơn để củng cố kiến thức, tăng cường kĩ năng sống… chị Thơm cho rằng, phụ huynh mong chờ nhà trường triển khai hoạt động phù hợp, bổ ích. Làm sao để trẻ học mà chơi, chơi mà học, được tiếp nhận kiến thức nhẹ nhàng, được giao tiếp, cân bằng tâm thế… Thay vì bị nhồi nhét kiến thức và ôn tập hè trở thành học kỳ 3.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - Khoa Tâm lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) - khẳng định: “Kéo” trẻ ra khỏi nhà, hạn chế tối đa thời gian sử dụng máy tính, điện thoại, thiết lập lại thói quen giao tiếp trực tiếp, cân bằng tâm lý sau một thời gian dài học trực tuyến là điều cần thiết cho học sinh trong mùa hè năm nay.

“Không biến việc củng cố kiến thức, tăng cường kĩ năng thành những lớp học thêm, học trước chương trình. Cùng đó, việc bồi dưỡng, củng cố kiến thức cần tiến hành cách thức, phương pháp phù hợp, hiệu quả. Có thể thông qua các trò chơi, hoạt động trải nghiệm, hoạt động nhóm, đọc sách, viết thu hoạch…”. - PGS.TS Trần Minh Hằng, Khoa Tâm lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ