Những lớp học "tiếp sức" trong hè

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 kết thúc, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM bắt tay vào phụ đạo cho học sinh yếu, kém trong hè.

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai dành 1 tháng rưỡi để ôn tập cho các học sinh yếu, kém.
Trường Tiểu học Phạm Văn Hai dành 1 tháng rưỡi để ôn tập cho các học sinh yếu, kém.

Thầy cô mong muốn thông qua đợt ôn tập sẽ giúp các em bổ sung kiến thức, nỗ lực vươn lên trong học tập.

Nỗ lực ôn tập

Năm học 2021 - 2022 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều giáo viên nhận định, việc học trực tuyến dù nỗ lực đến đâu cũng không thể so sánh với hình thức trực tiếp. Sau khi được trở lại trường, kiến thức của học sinh giảm sút đáng kể, đặc biệt là ở các môn như: Tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hóa học… Vì vậy việc củng cố lại kiến thức trong hè cho các em được xác định là nhiệm vụ quan trọng của nhiều trường.

Kết thúc năm học 2021 - 2022, Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) tổ chức ôn tập cho học sinh các khối lớp 6, 7, 8 có học lực yếu, kém. Theo cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, sau thời gian dài học trực tuyến, một số học sinh bị hổng kiến thức. Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II. Do đó, kết thúc năm học 2021 - 2022, nhà trường lập danh sách từng em, thông tin đến phụ huynh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ đến lớp học “tiếp sức” trong hè. Nhà trường không thu tiền học phí của học sinh học ‘tiếp sức”.

Đối với những lớp học hè đặc biệt này, trong quá trình ôn tập, thầy cô giảng chi tiết, cụ thể và luôn theo sát sức học của từng em. Đồng thời, giáo viên thường xuyên dò bài và cho học sinh làm  dạng bài tập căn bản cũng như tìm hiểu nguyên nhân các em chưa hiểu bài, chưa làm được bài tập để có phương pháp dạy phù hợp.

“Chúng tôi xác định việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu, kém là giúp các em bổ sung kiến thức, đủ tự tin để vươn lên trong học tập. Tuy nhiên, ngoài việc thầy cô ôn tập, bổ sung kiến thức, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác học tập của các em”, cô Hiếu chia sẻ và cho biết thêm: Mặc dù là thời gian nghỉ hè nhưng Ban giám hiệu luôn động viên giáo viên đến trường để giảng dạy, tổ chức ôn tập cho học sinh trong khoảng thời gian từ 13 - 26/6 và sau đó tổ chức thi lên lớp cho các em. Việc tổ chức thi lên lớp tại trường được thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Chính nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng, phụ đạo học sinh yếu kém trong dịp hè mà học lực các em được nâng lên, cải thiện rõ rệt.

Lớp học “tiếp sức” Trường THCS Lương Định Của.
Lớp học “tiếp sức” Trường THCS Lương Định Của.

Giúp học sinh vững vàng vào năm học mới

Theo thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), học sinh trở lại trường, giáo viên vừa dạy nội dung mới vừa tận dụng thời gian bổ sung kiến thức cũ cho các em. Tuy nhiên vẫn còn một số học sinh tiếp thu chậm, rải rác ở các lớp. Do đó, sau khi kết thúc năm học nhà trường lên kế hoạch ôn tập cho đối tượng này. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ban giám hiệu còn hỗ trợ vở viết, bút mực.

Do dịch bệnh Covid-19 nên năm học 2021 - 2022 kết thúc muộn hơn thường lệ. Vì vậy ngay trước khi bước vào kỳ nghỉ hè nhà trường đã có kế hoạch và giao giáo viên chủ nhiệm phổ biến tới các bậc phụ huynh thực trạng học sinh hổng kiến thức sau thời gian dài học trực tuyến. Từ đó đưa ra giải pháp trong hè, gia đình phối hợp cùng nhà trường kèm cặp, bổ sung phần còn thiếu. Việc học, ôn tập dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và nhà trường tuyệt đối không thu tiền. Đa phần phụ huynh rất đồng thuận với phương án nhà trường đưa ra.

“Trên cơ sở kết quả học của học sinh sau khi kiểm tra các môn ở học kỳ II, giáo viên đã thông tin cho phụ huynh cách giúp trẻ học tập tại nhà. Đối với học sinh chưa đạt, nhà trường lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho các em trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 đến ngày 15/8. Giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ nỗ lực “dặm” lại tất cả kiến thức, kỹ năng mà các em còn yếu. Sau ngày 15/8, nhà trường  tổ chức kiểm tra lên lớp cho các em”, thầy Hữu chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Lam, chủ nhiệm lớp 1.8, Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) cũng cho biết: Quay lại trường, học sinh lớp 1 thường rơi vào trạng thái quên mặt chữ, đọc viết chậm, thậm chí có em như mới học. Do đó, trong quá trình học tập trên lớp, giáo viên phải củng cố lại kiến thức bên cạnh hoàn thành nội dung mới. Lớp có 35/36 học sinh đọc lưu loát, 1 em chưa đạt.

“Trong quá trình giảng dạy, ôn tập, giáo viên luôn tạo tinh thần vui vẻ cho học sinh. Giáo viên cũng đan xen việc dạy học với tổ chức các trò chơi để tạo sự hứng thú học tập. Mặc dù thầy cô luôn nỗ lực ôn tập để bù lấp kiến thức cho học sinh, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ý thức học của trẻ và sự quan tâm của phụ huynh. Cha mẹ nên sát sao, động viên, kèm cặp ôn tập lại những phần kiến thức đã học để các em vững vàng khi bước vào năm học mới”, cô Lam bày tỏ.

Có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, chị Trương Ngọc Yến chia sẻ: “Thời gian học trực tuyến, vì bận đi làm nên tôi chưa quan tâm tới việc học của con. Khi hết dịch bệnh, vào học trở lại, được cô giáo quan tâm hướng dẫn, nhắc nhở thêm, cuối năm con được lên lớp. Nhưng giáo viên thông tin là con học còn yếu nên vào trường rèn hè thêm, nhắc tôi đưa con đi học đều để năm sau học tốt hơn. Sự đồng hành của nhà trường giúp bản thân thấy rất yên tâm và cố gắng đưa con đi học hàng ngày”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ