Cùng chung tay, góp sức…

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu thuộc các cơ sở GD đại học tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Bộ cũng có công văn phân công địa điểm các cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm tra công tác coi thi tại 63 tỉnh, thành phố.

Việc huy động cán bộ, giảng viên tham gia phục vụ kỳ thi được duy trì từ nhiều năm nay và đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Chẳng thế mà dư luận xã hội, nhất là phụ huynh và thí sinh, đồng tình cao với chủ trương này, bởi đã góp phần tạo nên kỳ thi nghiêm túc, công bằng và chất lượng.

Năm nay, khi được điều động tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi, các cơ sở giáo dục đại học và cán bộ, giảng viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Với họ, tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi không đơn thuần là trách nhiệm trong công việc, mà còn là tự trọng nghề nghiệp. Điều này phần nào lý giải tại sao nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức thành “ngày hội” ra quân phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trước đó, các trường đã tổ chức tập huấn về nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi cho cán bộ, giảng viên được huy động tham gia nhiệm vụ đặc biệt này. Thanh tra Bộ GD&DT cũng chuẩn bị đầy đủ tài liệu, video clip, biểu mẫu, sổ tay phục vụ công tác thanh/kiểm tra thi.

Tuy nhiên, với một kỳ thi trên diện rộng và “nhạy cảm” như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm có thể dẫn đến chủ quan và sai sót. Kinh nghiệm cho thấy, mọi sai sót xảy ra đều do thiếu nghiêm túc, thực hiện không đúng quy chế hoặc bỏ qua quy trình.

Vì vậy, việc thực hiện đúng quy trình, quy chế, hướng dẫn trong mọi khâu là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Mọi thay đổi khi thực hiện phải có quyết định của Ban chỉ đạo… Do vậy, hơn bao giờ hết, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều kiện, nội dung, nhiệm vụ. Trên hết, cần có kịch bản dự phòng, để trong bất kỳ tình huống nào cũng không bị động.

Thế nên, dù không phải lần đầu được phân công tham gia đoàn kiểm tra coi thi tốt nghiệp THPT nhưng tất cả cán bộ, giảng viên vẫn giữ tinh thần nghiêm túc và thấm nhuần phương châm “4 đúng - 3 không” mà Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã quán triệt.

Theo đó, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra từ ngày 26 - 29/6. Cả nước đang đếm ngược từng ngày, chờ giờ trống điểm trường thi. Tất cả cùng bày tỏ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ai nấy đều muốn “chung tay, góp sức” để tạo nên thành công chung của kỳ thi.

Chính phủ, Bộ GD&ĐT, cùng các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thí sinh yên tâm “vượt vũ môn”. Đối với cán bộ, giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ tại kỳ thi năm nay, hơn bao giờ hết cần thực hiện đúng, đủ các nội dung đã được tập huấn, hướng dẫn. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, nhiệm vụ tạo ra một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, thân thiện và nhân văn đang được đặt lên vai các thầy cô. Thứ trưởng mong rằng, các thầy cô sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.