Ví dụ, Giáo dục có nhiều vấn đề rất cần đổi mới, cần cải cách, làm sao để giảm tải, vấn đề thi cử. Còn giao thông thì BOT thời gian qua tình hình như thế. Đây là những vấn đề mà không phải tư lệnh ngành có thể xử lý được hết.
Qua lấy phiếu lần này, Chính phủ, Quốc hội cũng nhìn thấy được những vướng mắc cần giải quyết cho người dân. Cách bỏ phiếu như thế này cũng là sự đánh giá để các tư lệnh ngành thấy được những vướng mắc, những khó khăn mà các ngành cần giải quyết.
Tôi cũng rất chia sẻ với các tư lệnh ngành là thời gian từ đầu nhiệm kỳ chỉ mới 2,5 năm, những vấn đề này không phải bây giờ mới xuất hiện mà là vấn đề tồn tại từ các nhiệm kỳ trước, không thể giải quyết ngay trong nửa đầu nhiệm kỳ.
Và lá phiếu đã thể hiện là những nỗ lực đó của các ngành, của tư lệnh ngành chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân và các ĐBQH tiếp tục thể hiện nguyện vọng của người dân muốn thúc đẩy các tư lệnh ngành quyết liệt hơn nữa.
Người đứng đầu ở các lĩnh vực mà cử tri có nhiều mong muốn, đòi hỏi sẽ thiệt thòi hơn các tư lệnh ngành khác. Người đứng mũi chịu sào các lĩnh vực bức xúc, lĩnh vực nhạy cảm đều phải chịu tác động.
Vì nếu cũng Bộ trưởng đó nhưng là ở một lĩnh vực khác thì chưa chắc số phiếu đã như vậy. Cái đó chúng ta phải khách quan. Có những người điều hành giỏi, số phiếu cao nhưng nếu làm ở những lĩnh vực nhạy cảm thì chưa chắc số phiếu đã như vậy.
Tôi cho rằng, không phải vì lá phiếu mà đánh giá Bộ trưởng yếu kém, mà phải nhìn nhận rằng ngành đó đang có những vấn đề mà cả xã hội phải quan tâm.
Đơn cử là muốn giáo dục tốt lên thì cả xã hội phải quan tâm, thầy phải xứng đáng là thầy, học trò cũng phải cố gắng, gia đình phải chăm lo. Giáo dục không phải do ngành Giáo dục mà phải cả xã hội, chứ không “đổ lên đầu” tư lệnh ngành đó được.
Tôi không bênh ai cả nhưng cái đó phải đánh giá khách quan, trong thâm tâm khi bỏ phiếu các ĐBQH cũng thể hiện điều ấy. ĐBQH đặt vấn đề đó lên vai các Bộ trưởng để các Bộ trưởng chú tâm giải quyết tốt hơn.