Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là động lực để cố gắng hơn, quyết liệt hơn“

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời cảm ơn chân thành các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri cả nước đã luôn đồng hành, chia sẻ với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho ngành Giáo dục.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Theo Bộ trưởng, giáo dục luôn liên quan đến mọi người mọi nhà được xã hội quan tâm, có những vấn đề không chỉ trong một sớm một chiều giải quyết được mà phải có thời gian.

“Vừa rồi, tôi cũng như ngành rất nỗ lực, có một số việc có kết quả, một số việc cần có thời gian. Qua đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa để đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội” – Bộ trưởng chia sẻ.

Trả lời câu hỏi: Một số ĐBQH chia sẻ rằng những người đứng đầu những lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục, y tế thì bản thân Bộ trưởng sẽ có có thiệt thòi về lá phiếu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: "Tôi không nghĩ là thiệt thòi! Ngành nào cũng có vấn đề riêng, tuy nhiên giáo dục thì có phần nhạy cảm hơn, nên phải cố gắng hơn để làm sao giải quyết dần dần, cùng với thầy cô và cả hệ thống chính trị, đặc biệt với phụ huynh và nhân dân để làm sao đạt kết quả tốt nhất".

Trước ý kiến sở dĩ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp là do họ không cảm nhận được việc Bộ trưởng quyết liệt trong tham mưu, đề xuất với Chính phủ những chính sách mang tính đột phá cho ngành giáo dục, ví dụ như lương nhà giáo.., Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: Đúng là có nhiều vấn đề mà riêng ngành giáo dục không thể giải quyết được nếu không có sự vào cuộc của các bộ ngành và địa phương. Vấn đề giáo viên chẳng hạn, vấn đề thừa thiếu giáo viên thì Bộ GD&ĐT không thể giải quyết được, vì Bộ GD&ĐT chỉ phụ trách quy chuẩn, đào tạo giáo viên, còn địa phương thì phụ trách vấn đề về biên chế. Do đó, mỗi ngành giáo dục thì không giải quyết được.

“Tới đây nếu phối hợp tốt thì sẽ giải quyết được những vấn đề đó. Đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động” – Bộ trưởng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ