Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Đặt niềm tin vào sự chuyển biến sau kết quả tín nhiệm
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) |
Tôi cho rằng, không đạt được số phiếu tín nhiệm cao không có nghĩa là người đó không đủ phẩm chất làm Bộ trưởng. Đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đây là câu chuyện các đại biểu, cử tri gửi gắm, mong muốn Bộ trưởng đó phải thực sự chèo lái con thuyền vượt qua được sóng gió, càng vượt qua được sóng gió thì càng được đánh giá cao. Để thấy đây là câu chuyện không chỉ của hiện tại mà còn cả các giai đoạn phía trước nữa.
Với lĩnh vực kinh tế, việc đánh giá dễ dàng hơn so với các lĩnh vực khác vì thông tin có thể nhìn rõ kết quả và các kết quả này tác động ngay trực tiếp vào ý chí, nguyện vọng, cũng như đánh giá của các đại biểu Quốc hội. Riêng lĩnh vực xã hội, các đại biểu và cử tri thông tin không nhanh bằng thông tin kinh tế, nên có sư khác nhau.
Ở đây, chúng ta cần xem xét ở bình diện chung chứ không nên so sánh các Bộ trưởng với nhau, đừng lấy tiêu chuẩn Bộ trưởng này để so với Bộ trưởng khác, nếu có thì so sánh chỉ để tham khảo, không so sánh để đánh giá con người.
Với Bộ trưởng có phiếu tín nhiệm thấp hơn, ở đây không phải đánh giá Bộ trưởng có khuyết điểm mà là mức độ hoàn thành nhiệm vụ và kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Theo kết quả tín nhiệm, không ai không vượt qua tín nhiệm bình thường, tức mọi người vẫn tiếp tục ở vị trí của mình; còn tiếp tục có phấn đấu tiếp theo. Như vậy, Quốc hội vẫn hoàn toàn công tâm và vẫn tin tưởng.
Giai đoạn tiếp theo, những người được lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ phấn đấu vượt tiêu chuẩn đặt ra. Tôi đang đặt niềm tin những người được lấy phiếu tín nhiệm kết quả chưa cao sẽ làm việc tốt hơn, chứ không phải vì thế mà giảm sút sức cống hiến.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Từng có người lần đầu tín nhiệm thấp, nhưng sau vươn lên rất cao
Lần này, các đại biểu Quốc hội đã rất công tâm, trung thực, khách quan, vô tư khi bỏ phiếu tín nhiệm.
Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu cũng như tôi đã nghiên cứu rất kĩ văn bản, tiểu sử, hoạt động của từng người được lấy phiếu tín nhiệm, cũng như phiếu kê khai tài sản, quá trình hoạt động công tác, lấy từ nguồn báo cáo, qua phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt qua phản ánh của đại biểu, cử tri trong những lần chúng tôi tiếp xúc và chất vấn… Trên cơ sở đó, chúng tôi bỏ phiếu tín nhiệm.
Tôi kì vọng, sau lần bỏ phiếu này, những người tín nhiệm cao cần phát huy nhiều hơn nữa để xứng đáng với tín nhiệm của Quốc hội, không phụ lòng tin của Quốc hội và nhân dân.
Trước đó, Quốc hội khóa XII lấy phiếu tín nhiệm của các vị thành viên Chính phủ, có vị lúc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu rất thấp, nhưng lần hai thì chuyển biến rất nhanh với phiếu tín nhiệm cao vọt lên. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho người hiện có phiếu tín nhiệm chưa cao để phát huy, nỗ lực, cố gắng làm tốt hơn thế nữa.