Cử tri đánh giá cao các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ

GD&TĐ - Tại phiên khai mạc sáng 22/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo trước Quốc hội
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo trước Quốc hội

Báo cáo cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.480 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 834 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.646 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Theo đó, thời gian qua, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn; tăng cường công tác lập pháp và giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri và nhân dân kiến nghị.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực; tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018…” - Báo cáo khẳng định.

Bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; tình trạng ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường và có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Từ ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước, tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương một số vấn đề lớn liên quan đến an sinh xã hội. Trong số đó, đáng chú ý có nọi dung liên quan tới lĩnh vực GD-ĐT.

Theo đó, Báo cáo của Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi; nâng cao hơn nữa chất lượng GD-ĐT và dạy nghề; xây dựng, ban hành Chương trình SGK mới bảo đảm chất lượng, đồng bộ và đầy đủ; chỉ đạo Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, mất cân đối cục bộ giáo viên; chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế khi triển khai xây dựng các dự án khu đô thị, khu công nghiệp mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...