Cụ bà 85 tuổi giữ gìn nghề dệt truyền thống nơi biên cương

5 giờ sáng, khi bình minh ló dạng cũng là lúc cụ Nguyễn Thị Chương (85 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn Nà Phạ, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) ngồi vào khung cửi để bắt đầu dệt ra những chiếc khăn.

Cụ bà 85 tuổi giữ gìn nghề dệt truyền thống nơi biên cương

Hơn 70 năm gắn bó với nghề dệt khăn

Trong ngôi nhà hai gian bình dị, chiếc khung cửi thô mộc được đặt ở gian chính, nơi hàng ngày cụ Chương miệt mài dệt khăn. Cụ Chương được mẹ đẻ dạy dệt từ lúc hơn 10 tuổi. Khi lấy chồng tiếp tục được mẹ chồng dạy cho. Chiếc khung cửi cũng đã gắn liền với cụ từ đó đến nay.

Ánh mắt sáng, không dùng đến kính, với đôi bàn tay nhăn nheo vẫn không ngừng đưa con thoi trên khung cửi, cùng những nhịp chân đều đặn, không ai nghĩ ở cái tuổi này cụ Chương vẫn tạo ra những chiếc khăn tinh xảo.

Để dệt được một chiếc khăn, đầu tiên cụ sử dụng len từ các con len để quay sợi thành các ống sợi cho len thẳng, sau đó lên khuôn. Mỗi lần lên khuôn có độ dài sợi là 80m.

Mỗi chiếc khăn được dệt có chiều dài 1,2m, rộng 20cm. Để tính chiều dài của một chiếc khăn, cụ Chương thường đánh dấu bằng một sợi chỉ màu đỏ. Cụ dệt nhiều chiếc khăn trong một lần kéo sợi. Sau mỗi lần hết chiều dài một chiếc khăn, cụ sẽ cuộn lại rồi đánh dấu và tiếp tục dệt cho đến khi hết một cuộn sợi.

Người Tày có hai kiểu dệt là dệt trơn và dệt hoa. Để dệt được những tấm vải có những hoa văn khác nhau, đòi hỏi người phụ nữ khi dệt vải phải có kỹ thuật riêng và sự sáng tạo. Mọi họa tiết đều có cách dệt khác nhau, chính điều đó tạo nên giá trị riêng biệt giữa sản phẩm thủ công truyền thống với các sản phẩm bán trên thị trường.

Cụ Chương cho biết, hàng ngày làm việc từ 5 giờ sáng cho đến tối. Mỗi ngày dệt được từ một đến hai chiếc khăn. Sản phẩm chính cụ đang làm như hiện nay là khăn của chị em phụ nữ dân tộc Tày và Sán Chỉ, nhưng chủ yếu là dệt khăn của người Sán Chỉ. Mỗi chiếc khăn, cụ Chương bán với giá 150.000 đồng với loại chất liệu rẻ, còn chất liệu cao cấp sẽ có giá 400.000 đồng.

“Như phụ nữ dân tộc Sán Chỉ sẽ thường quấn khăn màu xanh ở bụng và trên đầu mỗi dịp có lễ hội. Còn các cháu nhỏ mỗi lúc đến trường học vẫn quấn khăn trên đầu. Đây là phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Chính vì vậy, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho cộng đồng người dân tộc ở địa phương. Thỉnh thoảng mới có khách du lịch mua về làm kỷ niệm”, cụ Chương nói.

Theo cụ Chương, trước đây phần lớn các gia đình người Tày ở Bình Liêu đều tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Ngày nay, nghề trồng bông, kéo sợi đã không còn nên sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp vì dễ dệt hơn, giá cả không cao, không tốn nhiều thời gian, người thợ cũng đỡ vất vả hơn.

Những năm 1980, vải bắt đầu được bán nhiều ở chợ phiên Bình Liêu, nghề dệt vải từ đó dần bị mai một. Khung cửi, nghề dệt cũng trở nên xa lạ với người thiếu nữ dân tộc Tày.

“Cả xã Tình Húc giờ còn mỗi mình tôi duy trì nghề dệt truyền thống này. Nghề này hoàn toàn bằng thủ công, mất rất nhiều thời gian mới làm ra được một sản phẩm nên giờ không còn ai bám trụ. Việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng do nghề này đã gắn bó với tôi từ nhỏ nên cố gắng giữ gìn”, cụ Chương chia sẻ.

Cụ Chương cho biết thêm, con gái cụ năm nay cũng đã ngoài 50 tuổi, cũng đang học nghề này. Con gái cụ cũng đã học được tất cả các kỹ thuật dệt, bao gồm cả dệt hoa văn trên khăn. Nhưng đến đời cháu thì không mấy mặn mà với nghề này.

Cụ bà 85 tuổi giữ gìn nghề dệt truyền thống nơi biên cương ảnh 1

Hàng ngày, cụ Nguyễn Thị Chương (85 tuổi) vẫn cần mẫn dệt ra những chiếc khăn truyền thống của đồng bào dân tộc nơi biên cương.

Nghề dệt thủ công truyền thống nằm trong đề án bảo tồn

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Dân số là 33.000 người, chiếm 96% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó, người Tày là đông nhất với 62%. Nơi đây ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, trong đó có nghề dệt thủ công.

Nhưng thực tế cho thấy, nghề dệt thủ công truyền thống không còn duy trì. Nghề dệt truyền thống của người Tày tại Bình Liêu chỉ còn duy nhất cụ Nguyễn Thị Chương giữ nghề.

Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Bình Liêu, cho biết, nghề dệt thủ công này là một dạng văn hóa và cần được bảo tồn.

“Huyện đã có đề án xây dựng văn hóa người Tày, trong đề án này có việc bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống. Đề án đã được thông qua nhưng chưa được triển khai”, ông Hiệu nói.

Theo ông Hiệu, hiện nay huyện vẫn tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào trên địa bàn là có một nghề truyền thống quý và khuyến khích mọi người học nghề dệt. Trong các nhà trường cũng có tiết ngoại khóa về văn hóa dân tộc, nghề dệt thủ công truyền thống cũng được tuyên truyền cho các em học sinh. Hoặc trong các cuộc hội thảo về văn hóa, nghề dệt của người Tày cũng được nhắc đến.

Hiện nay, huyện đang chú trọng khuyến khích, động viên các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho con cháu, thế hệ trẻ và xây dựng du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu trong thời gian tới đây.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.