CPI tháng Ba cả nước giảm nhiệt mạnh

CPI tháng Ba cả nước giảm nhiệt mạnh

(GD&TĐ)-Ngày 24/3, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 cả nước chỉ tăng 0,16% so với tháng Hai và đạt mức tăng rất thấp so với tốc độ tăng của tháng 3/2011 (2,17%) và tháng 3/2010 (0,75%).

Chỉ số giá tiêu dùng giảm do giá lương thực thực phẩm giảm mạnh (ảnh MH)
Chỉ số giá tiêu dùng giảm do giá lương thực thực phẩm giảm mạnh (ảnh MH)

Mặc dù với việc tăng giá xăng đến 10% và nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác cũng tăng theo nhưng thật bất ngờ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba cả nước đã giảm nhiệt.

Với mức tăng 0,16%, CPI tháng Ba đã tăng 2,55% so với tháng 12/2011 và tăng 15,95% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI tháng Ba đang tiếp tục xác lập xu hướng giảm tốc rõ rệt.

CPI tháng Ba tăng ở 9/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,16-2,31%; trong đó, tăng cao nhất là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 2,31%, tiếp theo là giáo dục tăng 1,1%, giao thông tăng 1,08%... Tăng thấp nhất là đồ uống và thuốc lá, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm.

Nguyên nhân của việc giảm tốc của chỉ số giá tiêu dùng là do nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 40% trong rổ hàng hóa chung là hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm giá mạnh tới 0,83%, trong đó cả lương thực và thực phẩm đều giảm mạnh.

Tại thời điểm này, giá lương thực trên thị trường đã giảm 1,21% so với tháng Hai do tác động của tình tình hình xuất khẩu gạo không được thuận lợi về giá và thị trường. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ Thu Đông với năng suất khá cao nên giá lúa gạo thường tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp giảm. Nhằm hạn chế việc giá lúa gạo không giảm thêm, cùng với đảm bảo cho người nông dân có lãi, Chính phủ đã thu mua 1.000 tấn gạo để dự trữ. Trong tháng Ba, giá gạo bán lẻ trên thị trường đã giảm từ 500-1.000 đ/kg ở cả thị trương miền Bắc và miền Nam.

Cùng nhịp với lương thực, giá thực phẩm cũng giảm 1,25% do nhu cầu tiêu dùng giảm cộng với sản lượng dồi dào. Cụ thể, giá thực phẩm tươi sống giảm 2,43%, trong đó thịt lợn giảm 2,79%; thịt bò giảm 0,65%; thịt gà giảm 1,82%. Giá thịt lợn khu vực phía Nam giảm mạnh hơn còn do thông tin về thịt lợn chăn nuôi có chất tạo nạc gây nguy hiểm cho sức khỏe nên người dân giảm tiêu dùng thịt lợn. Giá rau củ quả giảm 2,99% nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào trong khi giá các mặt hàng thịt chế biến ổn định.

Việc điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu gần 10% so với mức giá cũ chỉ đóng góp vào mức tăng CPI chung của tháng Ba khoảng 0,08% do tỷ trọng của nhóm này trong Rổ hàng hóa chung không phải là lớn nhất, cũng như do kỳ chốt giá là ngày 15 hàng tháng nên tác động tăng giá xăng dầu chưa phản ánh hết trong CPI tháng Ba. Cụ thể, nhóm giao thông là nhóm có mức tăng lớn thứ ba với 1,08% do tác động tăng giá của mặt hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng tới 2,31% và là nhóm có mức tăng lớn nhất nhưng chỉ đóng góp vào mức tăng CPI chung cả nước tháng Ba thêm 0,23%. Chỉ số giá điện sinh hoạt trong tháng tăng 0,86% do nhu cầu sử dụng tăng cao; nước sinh hoạt tăng 1,13%; giá xây dựng tăng nhẹ 0,45%.

Theo Tổng cục Thống kê cho biết, sức tiêu thụ của người dân 3 tháng đầu năm nay không cao như các năm trước. Trong khi giá cả của nhiều loại hàng hóa hiện nay giữ ở mức khá cao, giá xăng dầu và đặc biệt là giá gas tăng liên tục trong 3 tháng qua.

Thu nhập của người dân thời gian qua ít thay đổi, đời sống gặp nhiều khó khăn khiến người dân đang dần thắt chặt chi tiêu cũng như thay đổi cách chi tiêu đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thương mại. Mức tiêu thụ nhiều loại sản phẩm, nhất là hàng cao cấp trên thị trường đã giảm xuống rõ rệt.

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, có 10 trên tổng số 11 nhóm hàng tăng. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng với 2,84%. Tiếp đến là nhóm giao thông tăng 1,36% (do từ 16 giờ ngày 7/3 giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt tăng giá). Nhóm hàng bưu chính, viễn thông giữ nguyên so tháng trước. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,8%.

Khác với xu hướng của mọi năm, năm nay, giá gạo trên thị trường khá ổn định và có xu hướng giảm nhẹ trong tháng. Giá thực phẩm cũng hạ nhiệt so tháng trước, các mặt hàng khác như quần áo, giầy dép giá đã ổn định hơn do đang trong giai đoạn chuyển mùa. Giá gas và giá xăng dầu tăng do giá nhập khẩu trên thế giới tăng.

Chỉ số giá vàng tháng năm 2012 giảm 0,11% so với tháng trước. Chỉ số giá USD giảm 0,67% .

Cục Thống kê Hà Nội đánh giá, thị trường giá cả quý I chịu sự tác động của tăng giá liên tục. CPI tháng 1 tăng 0,96%, tháng 2, 3 lần lượt tăng 1,45% và 0,19%. Như vậy, sau 3 tháng chỉ số giá tháng này đã tăng 2,62% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá bình quân quý I năm 2012 tăng 15% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 tại Tp.HCM đã hạ nhiệt mạnh, từ mức tăng 1,32% tháng trước nay chỉ còn tăng 0,12%.

Diễn biến này đã đưa mức tăng CPI hiện nay về tương đương con số thấp nhất của năm 2011, đạt được vào tháng 10 năm ngoái. Như vậy, ngay tháng sau Tết, mặt bằng giá đã bị phá vỡ xu hướng tăng tốc của 4 tháng trước đó để về lại mức tương đối ổn định.

Điều chỉnh phù hợp với quy luật tiêu dùng trong năm, nhưng mức tăng thấp của CPI tháng này đáng chú ý là rơi vào tháng có giá xăng dầu, giá gas đều tăng rất mạnh.

Diễn biến trên thực tế, biên độ tăng CPI khá thấp tại tháng này là sự đan xem hai dòng tác động: kéo lên từ việc điều chỉnh giá xăng dầu, tăng giá gas; nhưng đồng thời là việc kìm hãm từ giảm giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm duy nhất có chỉ số giá giảm trong tháng.
 

Ngọc Lan-Minh Hằng-Thành Chung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.