CPI tháng 2 tại Hà Nội và Tp.HCM tăng trên 1%

CPI tháng 2 tại Hà Nội và Tp.HCM tăng trên 1%

(GD&TĐ)-Theo cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2012 tại Hà Nội đã tăng 1,45% và  Tp.HCM đã tăng 1,32% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng cao nhất trong các tháng gần đây, cũng là lần đầu tiên vượt qua mốc 1% sau nửa năm được khống chế dưới mức này.

CPI tháng này không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế (ảnh MH)
CPI tháng này không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế (ảnh MH)

Tại Hà Nội: Không có nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng giảm chỉ số giá, cho thấy diễn biến tiêu dùng giai đoạn Tết vừa qua chịu tác động của cầu tiêu dùng đã tăng hơn trước.

Tuy nhiên, tác nhân chủ yếu khiến CPI tháng này vượt qua ngưỡng 1% chủ yếu đến từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhà ở và vật liệu xây dựng, là hai nhóm có chỉ số giá tăng cao hơn mức bình quân chung.

Đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ số giá lương thực chỉ tăng rất nhẹ, thậm chí thấp hơn mức tăng cách đây một tháng, nhưng thực phẩm thì gia tốc mạnh, lên mức tăng gần 3% so với tháng trước.

Với nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giá điện được điều chỉnh tăng bắt đầu tác động đến CPI tháng này, trong khi giá gas cũng có đợt tăng giá rất mạnh trong dịp Tết vừa qua.

Như vậy, mức tăng CPI tháng này cũng ở mức khá thấp nếu so với các tháng cùng kỳ của năm 2008 đến nay, phổ biến ở mức khoảng 2-4% (riêng tháng 2/2009 chỉ tăng 0,99%).

Ở tháng 2 này, sự gia tốc của chỉ số giá tiêu dùng tại Tp.HCM trong khoảng 4 tháng liên tiếp vừa qua cũng là xu thế chung của CPI cả nước.

Đáng chú ý nhất tại thị trường Tp.HCM là giá thực phẩm đã “khuấy động” CPI tháng này.

Từ mức tăng khá thấp trong tháng trước (0,53%), CPI thực phẩm tháng này tăng tới 2,45%. Đây cũng là nguyên nhân chính kéo chỉ số giá tháng này tăng cao hơn tháng trước. CPI ăn uống ngoài gia đình cũng theo đó tăng 2,37%.

Nhưng ở chiều ngược lại, CPI lương thực lại đột ngột giảm nhẹ 0,25% so với tháng trước, níu giữ phần nào mặt bằng giá chung.

Ở các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại, CPI đồ uống và thuốc lá cũng là một đột biến khác khi tăng 1,29% trong tháng này; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục gia tốc mạnh, tăng ở mức 2,96%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép còn tăng 0,9% so với tháng trước…

Nhìn vào diễn biến tiêu dùng hiện nay trên thị trường, đặc biệt là tổng mức bán lẻ có dấu hiệu giảm vào giai đoạn sau Tết, khả năng trên có thể khó hiện thực, nếu thực phẩm không tiếp tục là nhân tố tạo thay đổi lớn trong thời gian tới.

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ