CPI tháng 10 đã tăng chậm lại

CPI tháng 10 đã tăng chậm lại

(GD&TD)-Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,36% so tháng 9 và tăng 17,05% so tháng 12/2010.

Giá thực phẩm hạ nhiệt khiến cho CPI tháng 10 tăng chậm lại (ảnh MH)
Giá thực phẩm hạ nhiệt khiến cho CPI tháng 10 tăng chậm lại (ảnh MH)

Đây là mức tăng thấp nhất kể từ mức tăng cao kỷ lục 3,32% hồi tháng 4 cho đến nay.

Trong đó, mức giá bình quân tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%.

Giá lương thực tăng 1,27%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,67% trong khi giá thực phẩm đã "mềm" hơn so tháng trước 0,49%.

Mức tăng giá mạnh nhất nằm ở nhóm giáo dục với chỉ số tăng giá lên đến 3,2% do học sinh và sinh viên đã bắt đầu bước vào năm học mới.

Nếu như trong tháng 9, CPI trong lĩnh vực giáo dục tăng tới 1,3% do các hộ gia đình phải chuẩn bị cho con cái trong dịp năm học mới thì tháng 10, CPI của nhóm này chỉ còn 0,7%. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm có tốc độ tăng CPI mạnh thứ hai trong tháng này.

Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 0,4%, bằng với mức tăng của tháng 9. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm chỉ tăng 0,3% thì lương thực lại tăng tới 0,6% do tác động của cơn bão số 7 vừa qua. Tháng 9, lương thực chỉ tăng 0,2%. Chỉ số giá của nhóm văn hóa, thể thao, giải trí và nhóm đồ uống, thuốc lá hầu như không tăng so với tháng 9.

Khác với tháng 9, nhóm phương tiện đi lại và bưu điện tăng tới 3,8%, tháng 10 tốc độ tăng CPI của nhóm này đã chậm hẳn lại, chỉ 0,3%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; dược phẩm, y tế và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có mức tăng CPI bằng nhau là 0,4%. Trong khi đó, giống như hai tháng trước, CPI của nhóm văn hóa, thể thao, giải trí vẫn giữ nguyên tốc độ, với 0,1%.

Điều cần nói là tuy tăng chậm lại, nhưng sau 10 tháng (tức tháng 10/2011 so với tháng 12/2010) CPI đã tăng 17,05%; nếu tính theo năm (tức tháng 10/2011 so với tháng 10/2010) CPI đã tăng 21,59% và nếu tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng 18,5%. Đó là những tốc độ tăng rất cao so so với mục tiêu ban đầu. Vì vậy, chưa thể lơi lỏng, mà vẫn phải coi kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên.

Để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chỉ tiêu mới của Chính phủ về tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán.

Tổng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm nay được Chính phủ ước tính sẽ còn tiếp tục giảm thấp hơn con số mới công bố hồi tháng 9 vừa qua.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế -xã hội năm 2011 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 20/10, tổng dư nợ tín dụng cả năm ước tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%.

Đây là con số được đưa ra sau khi thống kê thực tế, tổng phương tiện thanh toán đến hết ngày 20-9 vừa qua ước tăng 9,14% và tổng dư nợ tín dụng ước tăng 8,2% so với tháng 12-2010.

Nguyên nhân của mức tăng rất thấp này, theo giải thích của Chính phủ, xuất phát từ việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt. Vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm tỷ trọng vốn vay của khu vực phi sản xuất, lãi suất tín dụng đã có xu hướng giảm so với tốc độ cao kỷ lục trên 20% những tháng đầu năm.

Nếu ước tính trên trở thành hiện thực vào cuối năm thì đây sẽ là mức tăng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán thấp nhất trong nhiều năm qua, thấp hơn nhiều cả các kế hoạch và dự báo.

Đầu năm nay, khi ban hành Nghị quyết 11 (nghị quyết về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội), Chính phủ yêu cầu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15% đến 16%, giảm dần tốc độ và tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ tín dụng xuống còn 22% vào giữa năm và 16% vào thời điểm cuối năm.

Các ngành Ngân hàng, Công an, quản lý thị trường, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra, thanh tra việc mua/bán USD trên thị trường, nhất là thị trường tự do.

Bên cạnh đó, tiếp tục thục hiện giảm đầu tư công, đầu tư từ khu vực nhà nước, đồng thời phát động phong trào tiết kiệm tiêu dùng trong dịp tết, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chỉ số giá vàng trong tháng 10 đã giảm 4,42% so tháng 9 trong khi chỉ số giá USD tăng 0,39%. Như vậy, có thể thấy trong tháng này, những biện pháp của Ngân hàng Nhà nước đã phần nào tác động tích cực lên thị trường.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo CPI tháng 12 năm nay sẽ tăng khoảng 18% so với tháng 12/2010, thấp hơn 1% so với dự báo của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Thanh Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ