CPI năm 2012 sẽ không quá 10%

CPI năm 2012 sẽ không quá 10%

(GD&TD)-Đó là dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về diễn biến lạm phát trong năm nay. Theo đó, nếu giá cả quốc tế giảm sâu hơn, CPI năm 2012 của Việt Nam có thể kiểm soát ở mức 8-9%. Đến năm 2013, dao động quanh mức 6-7%.

Ủy ban
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo chỉ số lạm phát năm 2012 sẽ giảm dưới 10% (ảnh MH)

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo về “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012-2013”. Theo đó, trong giai đoạn 2006 đến nay, lạm phát của Việt Nam nhìn chung đều ở mức 2 con số (ngoại trừ năm 2009) với mức tăng trung bình là 11,5%/năm, cao gấp hơn 2 lần mức tăng 5,2%/năm của giai đoạn 2001-2005.

Thời gian qua, hiệu quả đầu tư giảm sút, hệ số ICOR tăng cao, do đó để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế buộc phải gia tăng đầu tư dẫn tới tăng tổng cầu, được biểu hiện qua việc mở rộng M2 và tín dụng quá mức, vượt quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là sau khi thực hiện gói kích cầu.

Đây chính là nguyên nhân sâu xa và chủ yếu gây ra lạm phát ở Việt Nam. Yếu tố tâm lý của người dân do nhiều nguyên nhân đã trở thành chất xúc tác rất mạnh làm gia tăng mức độ lạm phát mỗi khi có một tác nhân dù nhỏ hay lớn (ví dụ điều chỉnh giá, điều chỉnh lương…).

Cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, do kết quả thực hiện Nghị quyết 11 trong năm 2011 và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách (tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15-17%), tác động của yếu tố cầu kéo đến lạm phát có xu hướng giảm dần và ổn định trong năm 2012; nhờ đó, triển vọng lạm phát năm 2012 được dự báo khả quan.

Bên cạnh đó, những nhân tố bên ngoài như giá hàng hóa thế giới giảm (do nhu cầu hàng hóa nguyên vật liệu thô suy giảm trước nguy cơ suy thoái kinh tế cao) cũng tác động tích cực đến việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Tuy nhiên, tăng lương và tăng giá một số mặt hàng cơ bản như điện, than… là nhân tố tác động tiêu cực đến lạm phát năm 2012. Nếu công tác quản lý thị trường và điều hành chính sách được thực hiện hợp lý sẽ không gây hiệu ứng “lạm phát kỳ vọng”.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, CPI 2 quý đầu năm 2012 - không tính tới yếu tố thời vụ (thời điểm Tết Nguyên đán) và với giả định không có điều chỉnh về giá cả mặt hàng cơ bản và tỷ giá - sẽ dao động trong khoảng 3-4%. Nếu điều chỉnh giá điện 20% trong năm 2012 có thể khiến CPI năm 2012 tăng thêm 1,43% .

Từ những phân tích trên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng áp lực lạm phát năm 2012 sẽ giảm đáng kể so với năm 2011 do cả hai yếu tố cầu kéo lẫn chi phí đẩy đều cho thấy những tín hiệu tích cực hơn.

Dự báo tốc độ tăng CPI năm 2012 dao động quanh mức 9-10%. Nếu giá cả quốc tế giảm sâu hơn, CPI của Việt Nam có thể kiểm soát ở mức 8-9%. Năm 2013, áp lực lạm phát dự báo tiếp tục giảm, dao động quanh mức 6-7%.

Ngọc Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.