Tuổi càng nhỏ, nguyên nhân bệnh lý càng nhiều
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Khám và Điều trị xương khớp Hà Nội, cho biết, biến dạng cột sống là sự thay đổi về hình dáng hoặc cấu trúc của cột sống so với bình thường gồm cong và vẹo cột sống.
Khi nói về biến dạng cột sống lứa tuổi học đường, người ta thường dùng thuật ngữ “cong vẹo cột sống”. Tuổi càng nhỏ, nguyên nhân bệnh lý kèm theo càng nhiều, càng khó điều trị. Bệnh nhân đến khám càng muộn, vẹo cột sống càng nặng thì phẫu thuật điều trị càng nguy hiểm.
Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh cong vẹo cột sống của học sinh là đeo ba lô không đúng cách. Khi bị đau vai, nhức mỏi, mọi người thường nghĩ là do mang quá nhiều vật dụng. Hoặc nguyên nhân là do đeo quá lâu nên nhức nhỏi mà không hề nghĩ rằng, mình đã đeo ba lô không đúng cách, khiến cơ thể phải chịu lực quá tải hoặc không cân xứng.
Cô giáo Nguyễn Thanh Tuyền, Trường Tiểu học Hòa Lâm (Hà Nội), cho biết, nhiều trẻ đi học mang quá nhiều đồ trong cặp rồi đeo lên vai thời gian dài. Mặc dù, nhiều trường học đã kết hợp với các đơn vị y tế để hỗ trợ tư vấn nhưng phần lớn các em vẫn đeo ba lô không đúng cách hoặc theo thói quen.
Thậm chí, nhiều em được mua cho cặp sách không đúng kích cỡ với lứa tuổi. Rất nhiều học sinh bị cong vẹo cột sống vì nguyên nhân này và cần được sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ.
Cũng theo cô Tuyền, để giảm tình trạng trên, một số trường tiểu học đã dùng ngăn đựng đồ dùng học tập và sách vở cho các em để ở trường thay vì mang đi mang về. Tuy nhiên, điều này chỉ làm giảm phần nào chứ không triệt để vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến cong vẹo cột sống từ việc đeo ba lô, cặp sách.
“Vì vậy, các bậc phụ huynh cần kiểm tra xem cặp sách của con mình có nặng quá hay không, bên trong cặp có những gì để điều chỉnh kịp thời. Bởi tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ nhỏ hiện nay rất phổ biến. Trong khi các em đến trường còn mang theo nhiều đồ vật không phục vụ cho việc học tập”, cô Tuyền nói.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên chọn cặp sách thích hợp cho trẻ. Bởi hiện nay, nhiều em thường chọn mẫu mã là chủ yếu chứ không xem xét nó có phù hợp với mình hay không.
“Rất nhiều học sinh tiểu học đeo cặp to, quá khổ, không những cồng kềnh, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, cần ưu tiên chọn về chất lượng sản phẩm và sự phù hợp với lứa tuổi. Với trẻ, cha mẹ nên chọn những sản phẩm có dây đeo ở cả hai bên.
Dây đeo có thể tùy chỉnh độ dài để trợ lực và phân phối trọng lượng đều cho hai bên vai. Dây đeo vai phải rộng, có đệm lót êm và thoáng khí. Không chọn những loại ba lô có dây đeo nhỏ, hẹp. Vì khi sử dụng, dây sẽ hằn sâu lên bờ vai, gây cản trở việc lưu thông máu và đau vai”, cô Tuyền gợi ý.
Những lưu ý khi đeo ba lô
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, mục đích của việc sử dụng ba lô là nhằm chuyển tải bớt trọng lượng của các vật mang theo sang những phần khỏe và có thể chịu được lực của cơ thể. Do đó, để tránh tình trạng đau nhức vùng vai, cổ và nhất là cong vẹo cột sống cần đeo đúng cách.
Học sinh cần chú ý không mang nặng quá 10% trọng lượng cơ thể. Có nghĩa, nếu trẻ nặng 40 kg, bạn chỉ nên mang nặng tối đa 4 kg. Tuyệt đối không nên đeo quá nặng để tránh vùng vai, cổ và xương sống bị tổn thương.
Đối với học sinh THCS, ngoài việc đeo cặp sách tới trường, ba lô còn là một vật dụng được dùng thường xuyên như đi chơi, dã ngoại, du lịch nên cần chọn loại có đệm ở vai. Mục đích nhằm giảm và dàn đều áp lực lên vai, đồng thời giảm được những ảnh hưởng đến vùng cổ và xương sống.
Đặc biệt, không đeo ba lô lệch một bên vai vì hậu quả là bị đau vai và ảnh hưởng đến xương sống. Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày có thể khiến xương sống và xương cổ có nguy cơ bị biến dạng.
Ngoài ra, dù người lớn hay trẻ nhỏ, cần tránh đeo ba lô trước ngực. Điều này sẽ khiến bị gù lưng sớm cho dù bạn đeo hai quai ở vai hay đeo chéo. Bởi vì ở phía trước, trọng lượng ba lô sẽ kéo cơ thể đổ về phía trước khiến cho xương sống bị cong.
Khi sắp xếp, phụ huynh hướng dẫn trẻ lấy những vật dụng không dùng đến hoặc bỏ đi ra khỏi ba lô. Những vật dụng nặng, nên xếp càng gần với phần lưng càng tốt. Ngoài ra, người lớn cũng nên cố định hoặc làm sao cho các vật dụng này không bị trượt hay xê dịch trong quá trình di chuyển. Như vậy, cặp sẽ không bị tròng trành và giảm bớt được trọng lực khi di chuyển.
Bên cạnh đó, trẻ bị cong vẹo cột sống do thiếu bàn ghế ngồi học, kích thước bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi, sự sắp xếp không đúng cách, trẻ ngồi học ở nơi thiếu ánh sáng…
Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cong vẹo cột sống ở tuổi học đường. Tuy nhiên, những hành vi này hoàn toàn có thể thay đổi và điều chỉnh. Vì vậy, cha mẹ, học sinh cần có những kiến thức về bệnh này để có cách phòng tránh sớm và sửa những thói quen không tốt.