(GD&TĐ) - Hôn nhân cận huyết là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Hôn nhân cận huyết không chỉ làm suy thoái giống nòi mà những hệ lụy sinh học (trẻ mắc bệnh dị tật di truyền) còn kéo theo hệ lụy kinh tế xã hội (đói nghèo, bệnh tật, thất học…).
Những cuộc hôn phối loạn luân
Với quan niệm con cháu cùng nhà kết hôn với nhau sẽ gần gũi, đoàn kết hơn, không phải phân chia tài sản cho người ngoài và không sợ mất con, anh Vàng A Chua (Suối Bu, Văn Chấn, Yên Bái) đã lấy em họ của mình là Mùa Thị Chia. Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban dân tộc) cho biết, cặp vợ chồng Chua - Chia là một trong số rất nhiều cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống theo phong tục của người Mông. Cũng theo bà Tư, thống kê của Trung tâm nghiên cứu và phát triển dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), tại một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, Pu Péo, Mông, Brâu… cứ 100 trường hợp kết hôn có 10 cặp là hôn nhân cận huyết.
Hôn nhân cận huyết không phải là chuyện mới. Nó đã tồn tại trong mạch ngầm của đời sống xã hội từ thủơ sơ khai của loài người. BS Dương Minh Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cao Bằng cho biết: Mặc dù Nhà nước đã cấm kết hôn cận huyết nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra. Ở Cao Bằng, hôn nhân cận huyết thường gặp ở dân tộc Dao (64%), Mông (61%) và Tày (23%). Do là quan niệm lâu đời nên thủ tục rất đơn giản. “Có trường hợp, anh vừa sinh con gái, em sang chơi mang cho vuông vải phần để mừng đứa cháu mới chào đời, phần cũng là “miếng trầu bỏ ngõ”, đánh dấu cô cháu gái tương lai sẽ trở thành nàng dâu của mình”, BS Hiền trao đổi.
Theo TS Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chuyện mình là thông gia của chính mình tương đối phổ biến ở các dân tộc thiểu số. Khảo sát của Tổng cục DS-KHHGĐ cho thấy trung bình mỗi năm cả nước có thêm ít nhất trên 100 cặp hôn nhân cận huyết. Tình trạng này diễn ra khá mạnh mẽ tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn…
Trẻ vị thành niên vùng cao có nhiều thiệt thòi trong tiếp cận kiến thức hôn nhân gia đình. Ảnh minh họa: Phan Hải |
Nỗi đau dai dẳng
Hôn nhân cận huyết phổ biến ở việc con bác lấy con dì, con chị gái lấy con em trai, cháu lấy dì, thậm chí có trường hợp đứa lớn được cho đi làm con nuôi khi lớn lên lại quay về lấy em gái mình.
Theo PGS TS Trần Đức Phấn (Trưởng bộ môn Sinh y học và di truyền, ĐH Y Hà Nội), hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp các gen lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp là hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, tan máu bẩm sinh, bạch tạng, mù màu…
Theo TS Đặng Dũng Chí, Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, với số con trung bình của phụ nữ dân tộc là 3 thì tổng số trẻ được sinh ra từ những cặp hôn nhân cận huyết sẽ rất nhiều. Với tỷ lệ trẻ bị khuyết tật và chết khoảng 11% thì hàng ngàn trẻ sẽ bị loại khỏi nguồn nhân lực trong tương lai. Bên cạnh đó, còn là số trẻ bị suy dinh dưỡng (khoảng 70%), đây là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái giống nòi, làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn nhân lực các tỉnh miền núi.
Ở rất nhiều bản làng, người dân chưa hề nghe đến khái niệm Luật Hôn nhân và Gia đình và cũng không nhận thức được việc con cô, con cậu lấy nhau làm vợ chồng là kết hôn cận huyết thống. Vì vậy, khái niệm về hậu quả của hôn nhân cận huyết đối với họ lại càng mù mờ.(Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu). |
Minh Ngọc