Đôi bạn thân: truyền thông và dân số

GD&TĐ - Để thực hiện thành công công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cần sự vào cuộc tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng xã hội, trong đó không thể thiếu sự góp sức của truyền thông.

Ban Chủ nhiệm CLB “Nhà báo với công tác Dân số” (Ảnh: KT)
Ban Chủ nhiệm CLB “Nhà báo với công tác Dân số” (Ảnh: KT)

Cùng với việc thực hiện các giải pháp về chính sách, chế độ, tổ chức bộ máy, nguồn lực,... điều quan trọng đầu tiên và có tính quyết định là hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải có nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác Dân số - KHHGĐ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và hơn nữa là mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình, mỗi người dân phải ý thức được trách nhiệm của mình và tự giác thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ.

Với lợi thế của mình, truyền thông luôn được chú trọng trong việc góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về Dân số - KHHGĐ vào cuộc sống.

Trong mấy năm gần đây, tình hình thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình có phần chững lại, công tác dân số - sức khỏe sinh sản - kế hoạch hoá gia đình ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên vẫn xảy ra, trong đó có công nhân, viên chức - lao động sinh con thứ 3.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tư tưởng "trọng nam khinh nữ", muốn có con trai để "nối dõi tông đường" nên nhiều công nhân, viên chức - lao động vẫn tiếp tục sinh con thứ 3.

Về mặt tích cực, dân số đông đem lại nguồn lao động cho sản xuất, nhất là khi trình độ cơ giới hóa, tự động hóa chưa cao. Tuy nhiên về mặt tiêu cực, dân số đông dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhất là khi cung không đáp ứng đủ cầu.

Về mặt kinh tế, khi mà tài nguyên thiên nhiên, đầu tư cơ sở vật chất không đáp ứng kịp tỉ lệ tăng dân số, nạn thất nghiệp sẽ là một vấn đề nan giải, từ đó dẫn đến những vấn đề như người lang thang, ăn xin thậm chí là những tệ nạn xã hội như trộm cướp, mại dâm... xảy ra, chưa kể đến sự đổ xô của nhiều người lên thành thị làm nặng thêm những vấn đề này ở các thành phố lớn.

Về mặt giáo dục, dân số tăng nhanh có thể vượt mức đáp ứng của hệ thống giáo dục cộng với điều kiện kinh tế gia đình khó khăn làm tăng tình trạng thất học, bỏ học dẫn đến trình độ dân trí trung bình giảm thấp, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội cũng như chất lượng cuộc sống.

Về mặt y tế, dân số tăng nhanh vượt quá mức cung ứng sẽ dẫn đến dịch bệnh gia tăng dẫn đến giảm sức lao động, thương tật, tử vong. Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc tăng dân số là vấn đề môi trường. Dân số tăng, đặc biệt ở thành thị dẫn đến những vùng có mật độ dân cư cao, sống chen chúc, mất vệ sinh dẫn đến sự gia tăng các dịch bệnh.

Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện các chính sách dân số trong chiến lược phát triển KT-XH, thiết nghĩ, Đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương cần tập trung triển khai, truyền thông rộng rãi đến tất cả các đối tượng trên địa bàn một cách có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác dân số - KHHGĐ.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số - KHHGĐ phải được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng. Đặc biệt, công tác truyền thông cần tạo bước đột phá trong việc thực hiện đề án xây dựng "Xã, phường không có người sinh con thứ 3 trở lên". Ban Dân số xã kiểm tra lại việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách cụ thể từng địa bàn.

Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên được kiện toàn và nâng cao năng lực, được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; kết hợp với cộng tác viên y tế khu phố, xóm, ấp rà từng đối tượng để tuyên truyền, vận động. Ở khắp các tuyến đường quốc lộ, huyện lộ, đường liên xã, đường xóm, ấp... cần thiết lập những panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền các nội dung về Dân số - KHHGĐ.

Các cụm pano có sự phối hợp tranh minh họa đơn giản dễ tiếp thu, gần gũi với nhân dân. Đây là những kênh truyền thông rất có hiệu quả trong việc chuyển tải những thông điệp về Dân số - KHHGĐ tác động tích cực đến thái độ và hành vi của nhân dân, động viên đông đảo mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ.

Ngoài ra, hệ thống truyền thông về Dân số- KHHGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được tăng cường và không ngừng phát huy hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Dân số huyện và Đài Truyền thanh, truyền hình đóng trên địa bàn và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các phóng sự, đưa tin...

Công tác Dân số - KHHGĐ đang từng bước trở thành công tác xã hội hoá. Để công tác truyền thông - đặc biệt là truyền thông trực quan đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân, đồng thời huy động các tổ chức tinh tế, chính trị, xã hội tích cực tham gia công tác này. Nhằm tạo điều kiện và môi trường cho mỗi gia đình, mỗi người dân tiếp cận và tự nguyện thực hiện tốt chính sách Dân số- KHHGĐ.

Câu lạc bộ Nhà báo với công tác Dân số được thành lập trong thời gian qua đã góp phần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về DS-KHHGĐ trong tình hình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.