Lửa trong mỗi gia đình

Lửa trong mỗi gia đình

(GD&TĐ) - Tới thời điểm này, Việt Nam  có dân số trên 90 triệu người, hơn 12 triệu nếp nhà. Mỗi nhà một “bếp”, thắp ngọn lửa ấm sao đây? Đó là câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại không dễ tìm lời giải đáp... 

Hãy giữ mái ấm trong mỗi gia đình. Ảnh: Vũ Dũng
 Hãy giữ mái ấm trong mỗi gia đình.                  Ảnh: Vũ Dũng
 

1Một khảo sát của Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TPHCM khi đưa ra những lý do ly hôn đã cho rằng bất đồng cá tính, suy nghĩ, quan điểm chiếm tỉ lệ cao nhất (39,5%). TS Mai Ngọc Luông nhận xét, đây là sự thay đổi tất yếu trong xã hội đô thị. Theo đó, cá tính của giới trẻ đã thể hiện rõ nét hơn, họ dám trung thực với bản thân hơn trong nếp sống và suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho là không hẳn họ đã “dám trung thực hơn”- theo cách nói của TS Luông, mà là họ dễ dãi trong tình yêu hơn, ít coi trọng gia đình hơn, ít nghĩ đến tương lai hơn, và cũng... liều mạng hơn. 

Vẫn theo TS Luông, cá tính mạnh trong cuộc sống hiện đại thì tốt, nhưng nó lại là kẻ thù của hôn nhân vì người ta dễ tự do thể hiện cá tính mà thiếu sự nhường nhịn lẫn nhau. Cũng tại TPHCM, theo số liệu của nhóm nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tài (Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất), hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Còn theo thống kê của các trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình ở TPHCM, số người đến tư vấn ly hôn chiếm đến 70% trong các ca tư vấn. Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỉ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước. Nhưng, điều rất đáng lưu ý là có tới 43,4% cảm thấy cuộc sống của mình thoải mái, tự do hơn sau khi ly hôn.

TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh) tìm hiểu trên góc độ cả nước thì mức độ ly hôn cũng rất trầm trọng: chiếm 31-40%, nghĩa là cứ 3 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Từ đó, TS Hòa đi tới kết luận: Tuổi thọ hôn nhân ở Việt Nam càng ngày càng giảm.

Hạnh phúc. Ảnh: Vũ Dũng
 Hạnh phúc.                  Ảnh: Vũ Dũng
 

2Thống kê cho thấy, sau khi kết hôn trong vòng 5 năm, số cặp vợ chồng có khả năng tự lo về chỗ ở không cao (chưa tới ¼ trong tổng số các cặp vợ chồng), trong khi nhu cầu mái ấm riêng ngày càng cao, bởi cách sống giữa thế hệ ông bà- cha mẹ- con cái hôm nay trên thực tế đã có khoảng cách khá rộng. Đáng chú ý, hiện tượng ở rể xuất hiện ngày một nhiều hơn, ngược với quan niệm trước kia với câu nói quen thuộc “thà chết không chịu cảnh chó chui gầm chạn”. Bây giờ, các chàng rể đành chấp nhận cảnh “chui gầm tủ lạnh”, để từ đó cũng dẫn tới nhiều đôi ly hôn hơn.

Về tình trạng ly hôn, thống kê nói trên cho thấy: Vợ đứng đơn ly hôn: 47%. Chồng đứng đơn ly hôn: 40%. Cả hai vợ chồng cùng đứng đơn: 13%

Như vậy, tỉ lệ chủ động ly hôn từ phía phụ nữ gia tăng với mức độ phải coi là đột biến, chứng tỏ quan niệm sống, rào cản giới, cũng như vai trò của người phụ nữ trong xã hội đã thay đổi rất mạnh, ngược với quan niệm cũng như thực tế của mô hình gia đình truyền thống.

Trong nhóm nguyên nhân dẫn tới ly hôn, nguyên nhân mâu thuẫn dẫn tới xung đột về lối sống rất đáng quan ngại. Đó là hệ quả của việc yêu đương không tìm hiểu kỹ vẫn kết hôn, không lường trước hậu quả cũng như đã ngầm có sẵn ý đồ ly hôn vì không coi trọng việc xây dựng gia đình trường tồn.

Kế đó, nguyên nhân về ngoại tình và bạo lực gia đình cũng là hai nguyên nhân ngầm, nhưng lại dẫn đến kết cục tan rã quyết liệt nhất. Một cán bộ tòa án xét xử nhiều vụ ly hôn cho biết, trong một cuộc đổ vỡ thường tổng hợp nhiều lý do, nhưng nếu đã là ngoại tình hoặc tranh chấp kinh tế (hoặc là do quá nghèo) thì trước sau gì cũng tan đàn xẻ nghé, cho dù đã nỗ lực hòa giải đến đâu.

Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay nhóm “top 3” dẫn tới ly hôn là mâu thuẫn lối sống, ngoại tình, kinh tế gần như hòa vào nhau “3 trong 1”, cái này thúc đẩy cái kia phát triển. Còn nguyên nhân từ bạo lực gia đình, tuy thống kê không nhiều khi ra tòa, nhưng trên thực tế hành vi này khá phổ biến, khiến người trong cuộc phải cắn răng chịu đựng, và đó cũng là hiểm họa cho rất nhiều gia đình.

Hậu ly hôn có thể là tự do của người này, buồn đau của người khác, nhưng sau đó tỉ lệ kết hôn cũng không cao. Cụ thể: Nữ kết hôn lần 2, nhóm tuổi từ 18-30: 0,8%; Nhóm tuổi từ 51-60: 4,8%. Nam kết hôn lần 2, nhóm tuổi từ 18-30: 0,7%; nhóm tuổi từ 51-60: 5,6%.

Nếu số liệu nêu trên là đúng, thì tỉ lệ tái hôn (xây dựng gia đình mới thành công) ở ta rất thấp, điều đó sẽ mang tới nhiều hệ lụy cho chính bản thân người đó cũng như những người thân thích liên quan. Số người sống độc thân ở ta cũng không nhiều (không tính số người không tái hôn sau khi ly hôn) và được giải thích bằng những nguyên nhân sau: Không tìm được người phù hợp: 28,7%; Hoàn cảnh gia đình (đau ốm, neo đơn, kinh tế khó khăn...): 28,1%; Thích cuộc sống tự do: 12,6%.v.v. Trong số những người độc thân thì phụ nữ chiếm hơn 65%.

3Theo TS Nguyễn Thị Thường (ĐHSP Hà Nội), trong vài năm trở lại đây, vấn đề gia đình nổi lên như một tiêu điểm trọng yếu được mọi giới quan tâm. Ở châu Á và Đông Nam Á nói riêng, người ta nói nhiều đến yếu tố văn hóa gia đình như một giải pháp để ngăn trở sự xâm nhập của văn hóa, lối sống phương Tây. Đồng thời,  hầu hết các quốc gia châu Á (trong đó có Việt Nam) đang trải nghiệm cuộc chuyển mình vĩ đại: thực hiện công nghiệp hóa - đô thị hóa với quy mô và tốc độ ngày càng gia tăng. Những biến chuyển kinh tế - xã hội mạnh mẽ đó không thể không tác động sâu sắc đến thiết chế gia đình, một thiết chế hết sức nhạy cảm và thường phải chịu thử thách trước biến đổi xã hội.

TS Thường dẫn ý kiến một học giả phương Tây, James W.Vander Zanden, theo đó 45% người Mỹ ngày nay cho rằng một đôi không cần kết hôn mà cùng chung sống với nhau thì được coi là một gia đình đích thực; 33% coi các đôi cùng giới tính có nuôi nấng con cái là gia đình; còn 20% thì coi các cặp đồng giới tính chung sống với nhau là một gia đình. Như vậy, quan niệm gia đình đang chịu tác động rất mạnh, và theo TS Thường thì với đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam rất khó chấp nhận. 

Tương tự, ý kiến của ông Nguyễn Hùng Vỹ (Đại học KHXH&NV Hà Nội) cũng cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, mô hình gia đình nhiều thế hệ theo kiểu "tam tứ đại đồng đường, ngũ đại đồng đường" đang mất dần. “Không chỉ ở thành thị mà ngay cả nông thôn, mọi người cũng nhanh chóng tách hộ sớm để được hưởng quyền lợi của công dân và tạo khả năng để phát triển kinh tế”. 

Gia đình Việt Nam đang biến động mạnh, nhưng chúng ta vẫn hy vọng, với nền tảng gốc rễ lối sống Việt đã được hình thành từ lịch sử hàng ngàn năm, chúng ta sẽ vượt qua thử thách này, để trong mỗi gia đình luôn có một ngọn lửa ấm áp, đủ để nuôi nấng tâm hồn của tất cả các thành viên.

Những nguyên nhân dẫn tới ly hôn:

  - Mâu thuẫn về lối sống: 27,7%

  - Ngoại tình: 25,9%

  - Kinh tế: 13%

  - Bạo lực gia đình: 6,7%

  - Lý do sức khoẻ: 2,2%

  - Xa nhau lâu ngày: 1,3%.v.v.

Nam Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ