Công nghiệp quốc phòng châu Âu đang lạc hậu

GD&TĐ - Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố mức chi tiêu quân sự toàn cầu và khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng thế giới.

Ba Lan tiếp nhận xe tăng Abrams Mỹ sản xuất.
Ba Lan tiếp nhận xe tăng Abrams Mỹ sản xuất.

Chi tiêu kỷ lục

Báo cáo của SIPRI công bố ngày 22/4 cho biết, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2023 ghi nhận đà tăng mạnh nhất trong hơn một thập niên, đạt mức 2.400 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, chi tiêu quân sự đã tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, Trung Đông và châu Á.

Nan Tian - một nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, nêu rõ tổng chi tiêu quân sự đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, và lần đầu tiên kể từ năm 2009, con số này tăng trên cả 5 châu lục, cho thấy những nguy cơ đối với hòa bình và an ninh trên toàn cầu.

Chi tiêu quân sự năm 2023 đã tăng 6,8% - mức tăng theo năm cao nhất kể từ 2009. Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia lần lượt là 5 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất.

Trong đó, chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2023 tăng 2,3% so với năm 2022, lên 916 tỷ USD. Mức chi tiêu này của Trung Quốc là khoảng 296 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022 và là năm thứ 29 liên tiếp quốc gia Đông Bắc Á này tăng chi tiêu quân sự.

Mức chi tiêu của Nga và Ấn Độ lần lượt là 109 tỷ USD và 83,69 tỷ USD. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Saudi Arabia trong năm 2023 tăng 4,3% so với năm 2022, lên khoảng 75,8 tỷ USD, mức chi tiêu quân sự mức cao nhất trong khu vực.

Tại châu Âu, Ba Lan chứng kiến mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất từ trước đến nay, với 31,6 tỷ USD trong năm 2023, tăng 75% so với năm 2022.

Trong khi đó, các nước ở khu vực Trung Mỹ và Caribe, chi tiêu quân sự cũng tăng mạnh, chủ yếu do phải đối phó với tình trạng bất ổn do các nhóm tội phạm có vũ trang gây ra. Ở châu Phi, căng thẳng, xung đột và bạo lực cũng khiến các nước tăng chi tiêu quân sự.

Châu Âu lạc hậu

SIPRI cho biết thêm, những điểm nóng xung đột trên toàn cầu đang thúc đẩy các nhà thầu quốc phòng toàn cầu tăng sản lượng.

Doanh nghiệp Nga KB Mashinostroyeniya – một phần của Tổ hợp Tổ hợp Chính xác Cao thuộc Tập đoàn Nhà nước Rostec đã tăng cường sản xuất một số loại vũ khí của mình lên tới 2,5 lần kể từ năm 2022.

KB Mashinostroyeniya nổi tiếng với hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động 9K720 Iskander (NATO định danh là SS-26 Stone), một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn tiên tiến.

Các nhà sản xuất Javelin, HIMARS và Hệ thống tên lửa phóng đa hướng (GMLRS) của Mỹ đang chạy đua với thời gian để sản xuất nhiều vũ khí hơn khi Ukraine đốt cháy những vũ khí này nhanh hơn khả năng sản xuất của Mỹ.

Trong khi đó, các nhà sản xuất vũ khí châu Âu đang cố gắng bắt kịp khi cơ sở công nghiệp của Lục địa già "vẫn còn trong tình trạng lạc hậu" sau nhiều thập kỷ không được đầu tư.

SIPRI còn gọi tên năm quốc gia hàng đầu thế giới trong sản xuất vũ khí gồm: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức.

Mỹ đứng đầu danh sách các nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Quốc gia này tự hào có thị phần 40% trong xuất khẩu vũ khí quốc tế từ năm 2018 đến năm 2022, tăng từ 33% trong 5 năm trước.

Nhìn chung, Mỹ đã cung cấp vũ khí cho 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn một nửa số quốc gia trên hành tinh.

Nga đứng thứ hai với 16% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Trong năm 2018-2023, Nga đã giao vũ khí lớn cho 47 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Pháp là một nhà sản xuất vũ khí trưởng thành và được cho là đang thách thức Nga với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai sau Mỹ. Theo một số ước tính, vào cuối năm 2022, Pháp có nhiều vũ khí được đặt hàng xuất khẩu hơn Nga.

Đức chiếm tới 4,2% tổng nguồn cung vũ khí toàn cầu trong năm 2018–2022, thấp hơn 35% so với năm 2013–2017. Phần lớn vũ khí của Đức được chuyển đến các quốc gia ở Trung Đông (36%), Châu Á và Châu Đại Dương (32%) và Châu Âu (20%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ