Công nghệ thông tin tác động tích cực đến giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các tỉnh miền núi, vùng khó.

Công nghệ thông tin tác động tích cực đến giáo dục vùng khó.
Công nghệ thông tin tác động tích cực đến giáo dục vùng khó.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục

Công nghệ thông tin đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy học tập từ truyền thống sang tích cực, giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Người học có thể tiếp cận tri thức mọi nơi, mọi lúc, chủ động trong học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thể hiện rõ nét ở mỗi lớp học vùng cao. Học trò vùng khó, vùng dân tộc giờ đây tự tin lướt web, biết sử dụng phần mềm phục vụ việc học, tra cứu tài liệu. Những tiết học không biên giới kết nối bạn bè 5 châu, lan tỏa văn hóa vùng miền; giúp trẻ tự tin trong giao tiếp, thêm tự hào về truyền thống quê hương…

Tại huyện miền núi Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn thiếu thốn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thời gian qua ngành giáo dục huyện Định hóa đã được hỗ trợ cả về nhân lực và nguồn lực trong ứng dụng Công nghệ thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn huyện đều đã có phòng máy, trên 50% các lớp học được trang bị Tivi phục vụ hoạt động dạy và học.

Tất cả các nhà trường ở điểm chính trên địa bàn đều được kết nối internet, nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng; giáo viên đều sử dụng thành thạo phần mềm Powerpoint để thiết kế giáo án, khai thác tốt nguồn tài liệu trên internet; thực hiện soạn giáo án trên máy tính và có sử dụng trình chiếu trong các tiết học; tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT, qua đó góp phần nâng cao năng lực của giáo viên trong việc ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn.

Nhờ ứng dụng CNTT, bài giảng của giáo viên trở nên sinh động, hấp dẫn và thu hút học sinh hơn.

Nhờ ứng dụng CNTT, bài giảng của giáo viên trở nên sinh động, hấp dẫn và thu hút học sinh hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn như cơ sở vật chất chưa được đồng bộ, nhiều vùng trũng sóng kém và vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên.

Năm học 2022 – 2023 sắp kết thúc, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện vẫn còn thiếu giáo viên tin học, để khắc phục khó khăn trên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp để bổ sung, tăng cường giáo viên Tin học cho các trường tiểu học trên địa bàn như ưu tiên tuyển dụng giáo viên dạy tin học, thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái, điều động giáo viên môn tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, SGK môn học của cấp tiểu học.

Thực hiện quản lý, đánh giá giáo viên, có phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên được điều động, biệt phái dạy liên trường, liên cấp học phù hợp với thực tế của địa phương và bảo đảm đúng quy định. Nhờ đó, về cơ bản đã khắc phục được việc bố trí giáo viên đứng lớp dạy Tin học cho học sinh.

Học sinh hào hứng tiếp cận với CNTT

Tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn chỉ có số ít học sinh là con em của công chức, viên chức có điều kiện tiếp cận máy tính, công nghệ, đa số các em đều chưa có máy tính, chủ yếu các em mới chỉ được học ở trường nên nhiều em còn yếu và còn chậm về kỹ năng sử dụng máy tính như thao tác với chuột, gõ phím, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet...

Để giúp học sinh có cơ hội tiếp cận và sử dụng thành thạo CNTT trong học tập, thời gian qua các thầy cô giáo tại trường Tiểu học – THCS Phú Lương, huyện Lạc Sơn đã có nhiều sáng kiến như thường tổ chức các buổi ngoại khóa theo từng lớp, từng nhóm để các em có thêm thời gian học và tiếp xúc với máy tính. Ngoài ra, sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để tạo ra phần mềm luyện tập chuột và luyện gõ bàn phím để các em vừa được học vừa được chơi trong các tiết lồng ghép.

Giai đoạn năm học 2019-2020 các em học sinh đã được tiếp cận với bộ kit lập trình Microbit. Ban đầu làm quen với mạch và điều khiển mạch, thực hiện một vài dự án nhỏ như bật tắt bóng đèn bằng ứng dụng microbit... đa số các em rất háo hức và yêu thích.

Từ những dự án nhỏ, dần dần các bạn trong CLB Tin học của trường đã mở rộng thêm các dự án liên quan. Các em đã có thể hiểu được về cảm biến (ánh sáng, nhiệt độ...). Trong giai đoạn này, nhà trường được tổ chức Quỹ Dariu cho mượn thiết bị (mạch, các cảm biến…) để thầy trò nghiên cứu và tham gia các sản phẩm dự thi do Quỹ phát động và đều có giải thưởng. Hiện nay ngoài mạch Microbit, các em học sinh đang được tiếp cận thêm một dạng mạch lập trình nữa đó là Yolo:bit, lập trình trên môi trường của OhStem.

Trường TH-THCS Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã sử dụng các ứng dụng số để quản lí và lưu trữ thông tin.

Trường TH-THCS Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã sử dụng các ứng dụng số để quản lí và lưu trữ thông tin.

Thầy giáo Bùi Minh Đức, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Học sinh trong trường đa số đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên các em đều rụt rè, nhút nhát khi tiếp cận máy tính, tuy nhiên sau một năm học các em được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình từ các thầy cô các em đã có nhiều tiến bộ từ thao tác cầm và điều khiển chuột và gõ bàn phím đã được cải thiện rất nhiều, các em đều có sự tự tin, có kỹ năng tin học, nhiều em có tư duy logic cao và rất hào hứng khi được tiếp cận và ứng dụng CNTT trong học tập.

Như vậy, Việc ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục đã góp phần đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đồng thời, xây dựng hạ tầng số của ngành Giáo dục theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...