Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Hiện nay, Thái Nguyên có gần 30% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân thì các chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục và đào tạo cho con em người dân tộc thiểu số cũng được tỉnh quan tâm thực hiện.
Những năm qua, việc đầu tư cho giáo dục ở vùng DTTS giai đoạn 2016-2022, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư trên 200 tỷ đồng để mở rộng, tăng quy mô tuyển sinh các trường nội trú. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục quan tâm đầu tư mua sắm, sửa chữa, cải tạo nâng cấp 10 trường phổ thông dân tộc bán trú với tổng kinh phí thực hiện 5 năm qua là trên 26 tỷ đồng.
Để đảm bảo điều kiện học tập cho gần 160 học sinh người dân tộc thiểu số tại trường THCS Cúc Đường, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên năm học này, bên cạnh các chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo viên và học sinh nhà trường đã được đầu tư xây mới một dãy nhà 2 tầng 8 phòng học và hạ tầng phụ trợ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Hương, Hiệu trưởng trường THCS Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Đây cũng là nguồn động viên rất lớn đối với thầy và trò nhà trường, cũng là động lực để thầy trò nhà trường cố gắng phấn đấu vượt qua những khó khăn về điều kiện hoàn cảnh của các cháu để thầy cô nâng cao chất lượng dạy học. Dự kiến khi công trình hoàn thành sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu trường đạt chuẩn quốc gia trong năm nay”.
Trường THCS Cúc Đường được đầu tư xây mới một dãy nhà 2 tầng 8 phòng học và hạ tầng phụ trợ. |
Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ
Còn đối với trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Năm học 2022 - 2023, trường có 15 lớp với gần 270 học sinh, trong đó có trên 90 học sinh đang ở bán trú và được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ, cụ thể các em sẽ được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo. Phía Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành.
Được mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; Lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học…Chính nhờ sự hỗ trợ này đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần học tập, giúp các em học sinh người dân tộc thiểu số cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để vươn lên.
Trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Các em học sinh đến trường đều phải thực hiện theo các quy định, nề nếp của nhà trường. Về khó khăn, cơ bản nhà trường đó là sinh hoạt cá nhân của học sinh, tuy nhiên được sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ sở vật chất được đầu tư khang trang nên thầy và trò nhà trường hoàn toàn yên tâm dạy và học.
Em Dương Văn Doanh, học sinh lớp 3A, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ phấn khởi cho biết: "Được tới trường đi học con cảm thấy rất vui, ở đây con được các thầy cô chăm lo, bạn bè yêu quý. Bên cạnh đó, tới trường con được ăn trưa, được nghỉ ngơi có sức khỏe tốt để học tập và còn được hưởng nhiều chế độ, chính sách khác.
Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ học sinh DTTS ở vùng khó khăn như: trao học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập luôn được thực hiện kịp thời. Các chính sách này đã hỗ trợ đắc lực việc học tập của con em đồng bào DTTS, góp phần duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở nhiều địa phương có học sinh người dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh Thái Nguyên.