Công nghệ là món quà dành cho giáo viên và học sinh

GD&TĐ - Đó là tâm sự của cô Trần Thị Yến Nhi, GV trung tâm tin học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp Hồ Chí Minh. Công nghệ đã và đang chuyển đổi một cách mạnh mẽ, phục vụ tích cực cho cuộc sống của con người. 

Công nghệ là món quà dành cho giáo viên và học sinh

Với những người làm công tác giáo dục, công nghệ đã đem đến những bước đột phá. Với nhận thức: công nghệ là món quà nên cô Trần Thị Yến Nhi cùng với cộng sự của mình muốn trao tặng nó cho những học sinh yêu quý để cuộc sống các em trở nên ý nghĩa hơn. Đó là một trong những lí dó để cô triển khai dự án “Người bạn thực tế ảo”. Dự án là một trong 49 sản phẩm xuất sắc nhất được lọt vào vòng chung kết toàn quốc của Diễn đàn Giáo dục Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT 2019.

Là một thạc sỹ chuyên ngành khoa học máy tính, cô Trần Thị Yến Nhi là một giảng viên thực sự đam mê công nghệ và nghiên cứu khoa học. Bản thân cô đã có 3 bài báo nghiên cứu khoa học được công bố tại các hội nghị khoa học quốc tế ở Luân Đôn và Malaysia. Là một giáo viên, bản thân cô luôn trăn trở làm thế nào để công nghệ thông tin thực sự hữu ích với giáo viên, học sinh; làm thế nào để học sinh có thể vừa tiếp cận sớm với công nghệ vừa không rời xa cuộc sống thường ngày; vừa sáng tạo vừa sống nhân ái.

Hơn nữa, hiện nay do đời sống quá bận rộn nên nhiều cha mẹ không thực sự quan tâm đến con trẻ, nhiều trẻ em dường như bị “bỏ rơi” ngay trong chính gia đình của mình. Điều đó thôi thúc cô cùng với cô Lâm Đông Phi – một giáo viên dạy mĩ thuật quyết tâm thực hiện một điều gì đó để thay đổi nhận thức cho các bậc phụ huynh đồng thời khuyến khích, động viên trẻ thể hiện chính bản thân mình. Và dự án “Người bạn thực tế ảo” đã ra đời.

Đây là một dự án liên môn, đóng vai trò chủ đạo là môn Tin học và Mỹ thuật. Đối tượng thực hiện dự án là học sinh lớp 3. Dự án được thực hiện nhằm tạo môi trường cho học sinh tiếp cận công nghệ một cách an toàn. Ngoài ra, dự án còn tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm, thực làm thực học cùng với Steam. Giúp các em phát triển trí tưởng tượng, nuôi dưỡng tình yêu với khoa học và nghệ thuật.

Khi được hỏi về ý nghĩa mà dự án đưa lại, cô Trần Thị Yến Nhi chia sẻ: “Khi bắt tay thực hiện dự án, chúng tôi thấy rất thú vị, có động lực là phải làm được, làm ngay.Với dự án này, chúng tôi thấy tâm đắc với 3 điều:

Thứ nhất: cần tôn trọng những người bạn ảo của con trẻ. Khi làm dự án, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều bài báo khoa học của các nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em, tham vấn ý kiến nhiều nhà tâm lý về cách bảo vệ và tương tác với trẻ. Vì thế, thông qua dự án chúng tôi thực sự mong muốn, nếu người lớn chúng ta phát hiện con trẻ có những người bạn tưởng tượng thì đứng quá thô bạo xông vào thế giới trẻ thơ. Bởi vì nó có thể là biểu hiện bình thường trong sự phát triển tâm lý của trẻ.

Người bạn tưởng tượng là một công cụ hiệu quả đối với trẻ em, giúp chúng vượt qua sự chán chường, trò chuyện về những điều làm chúng lo nghĩ, và cùng khám phá bất cứ thứ gì xảy ra trong cuộc sống. Đồng thời với đó, chúng ta nên tặng cho những người bạn ảo đức tính như chăm ngoan lễ phép. Đây là cách chúng ta tôn trọng sự sáng tạo của trẻ, dần dần gần gũi và giáo dục trẻ.

Thứ 2, tận dụng hiệu quả của công nghệ vào hoạt động giáo dục. Chương trình Paint 3D và bộ Office 2016 đã thổi hồn vào môn Tin học. Đặc biệt, Paint 3D là công cụ tuyệt vời của Microsoft, nó giúp trẻ học Steam rất tốt. Ngoài ra, còn giúp trẻ có thể ứng dụng công nghệ để phác thảo, tương tác và giới thiệu những điều mới mẻ từ cuộc sống. Những kĩ thuật mà học sinh lớp 3 làm được thì trước sinh viên năm 3 chuyên nhành thiết kế mới làm được trước khi có Paint 3D. Công nghệ. Việc ứng dụng các công nghệ mới của Microsoft một cách linh hoạt làm cho quá trình dạy và học trở nên thú vị, nhẹ nhàng hơn rất nhiều, học sinh háo hức hơn khi đến lớp.

Thứ 3, tiến hành quyên góp từ thiện

Khi thực hiện dự án của mình, chúng tôi muốn giới thiệu Dự án The Imaginary Friend Society với những người bạn ảo dễ thương để truyền nghị lực cho 300000 bệnh nhi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư hàng năm của Tổ chức Pediatric Brain Tumo . Đây là tổ chức giúp đỡ trẻ em ung thư trên toàn thế giới. Tất cả các hình ảnh sẽ được quyên tặng cho tổ chức này nhằm tạo ra thú nhồi bông, poster cổ động, tranh tô màu, video giải thích cho các con thế nào là ung thư, sao con phải xạ trị, xạ trị có đau không... Mở rộng dự án là những nhân vật các con tự thiết kế, làm thành postcard, lịch. bao lì xì... Các sản phẩm sẽ bán vào ngày hội xuân để gây quỹ cho bệnh nhi bị tim tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Từ những chia sẻ trên có thể thấy đây là một dự án có sự liên kết khá tốt giữa kiến thức trong trường học và trong thực tiễn đời sống. Từ việc giúp phụ huynh hiểu con em mình hơn đến việc hướng các em biết đến những hoàn cảnh kém may mắn khác xung quanh mình. Vì thế mà chúng tôi thấy dự án rất giàu giá trị giáo dục, giá trị nhân văn. Chắc chắn một điều rằng, khi tham gia dự án, những trẻ lớp 3 sẽ cảm thấy mình luôn được sáng tạo, tự tin, yêu thương và chia sẻ. Khi có công nghệ thông tin hỗ trợ, chúng tôi nghĩ những điều trái tim muốn nói sẽ được chuyển tải một cách dễ dàng hơn.

Với cô Yến Nhi và cộng sự, đây là lần đầu đi thi và lần đầu được vào chung kết. Đó là một niềm vinh dự. Dù mới biết đến diễn đàn nhưng cô mong muốn, sẽ tiếp tục được đồng hành cùng với gia đình MIE tiếp tục sáng tạo, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, để tiếp tục khẳng định: công nghệ chính là món quà đáng quý với con người thời hiện đại, nhất là với những người làm giáo dục. Chúng tôi thiết nghĩ, mong muốn của cô cũng là mong muốn của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc, quyết tâm ứng dụng công nghệ để đào tạo ra những thế hệ học sinh có đủ phẩm chất và năng lực, có thể trở thành những công dân toàn cầu sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ